(NASATI) Ngày 30/9/2020 tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Kết nối Hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trên cơ sở các nguồn tin KH&CN” nhằm cung cấp, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo tiếp cận thông tin KH&CN các nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức trong các lĩnh vực nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Tham dự Hội thảo có TS. Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; PGS.TS Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước và hơn 100 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu tới từ trên 40 viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, là đầu mối phát triển nguồn tin KH&CN cho cả nước, phục vụ quản lý, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã vận hành, quản lý và cung cấp nguồn thông tin KH&CN đủ “mức ngưỡng” nhằm hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của cộng đồng khoa học Việt Nam. Cục đã mua quyền truy cập tới các CSDL KH&CN hàng đầu thế giới như ScienceDirect, Springer Nature, ProQuest Central, IEEE, ACS, Scopus… Những CSDL này sở hữu các nguồn thông tin được đánh giá là nguồn cơ sở dữ liệu cốt lõi, bao trùm đầy đủ các tài liệu khoa học nòng cốt với nhiều tạp chí, xuất bản phẩm có chỉ số ảnh hưởng cao. Các CSDL này cũng được xem là bộ sưu tập tổng hợp lớn, rất đầy đủ và được cập nhật thường xuyên nhất hiện nay về các báo cáo, các phân tích học thuật uy tín. Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng các CSDL công bố KH&CN Việt Nam, Nhiệm vụ KH&CN Việt Nam, là bức tranh toàn cảnh về hiện trạng, tình hình hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là các nhà khoa học khai thác, sử dụng hiệu quả để có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, cho biết: Chủ đề của Hội thảo lần này bao gồm ba thành phần Kết nối hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và các nguồn tin KH&CN. Xoay quanh chủ đề này các đại biểu được nghe các báo cáo, tham luận và thảo luận để làm rõ những đóng góp của thông tin KH&CN đối với hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và làm sao chúng ta có thể nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng các nguồn tin KH&CN.

Theo TS. Trần Đắc Hiến, ba thuật ngữ chính trong chủ đề Hội thảo đó là kết nối – chia sẻ – tích hợp là những thuật ngữ được sử dụng tương đối nhiều trong mấy năm gần đây. Việc kết nối, tích hợp cũng là một xu hướng điển hình ở cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bản chất của sự phát triển trong cả hiện đại lẫn tương lai là tăng cường sự kết nối thông minh. Các hoạt động của chúng ta, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần phải được tăng cường sự kết nối, chia sẻ này. Hoạt động của các quốc gia trên thế giới cũng theo xu hướng đẩy mạnh tăng cường kết nối, chia sẻ này. Nguyên tắc kết nối- chia sẻ – đóng góp đó là nguyên tắc phổ biến trong xã hội đa phương hóa đa dạng hóa, đa số hóa trong thế giới phẳng như hiện nay. Đối với hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, việc kết nối, chia sẻ cũng là nhân tố có ý nghĩa then chốt. Trong hệ sinh thái, bản chất của hệ sinh thái là hệ thống mà trong đó các thành phần trong hệ thống đó cùng tương tác, hoạt động với nhau để tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng, cạnh tranh cao. Để tạo ra được các sản phẩm đó thì tính tương tương tác, tính kết nối và chia sẻ trên cơ sở sợi dây là nguồn thông tin mà cốt lõi là nguồn tin KN&CN giữa các chủ thể tham gia vào hệ sinh thái. Trong hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đòi hỏi tất yếu là sự chia sẻ, tích hợp, liên kết giữa các chủ thể thành phần trong hệ sinh thái. Để làm được điều này, cần phải tìm ra cơ chế để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các nguồn thông tin đã, đang và sẽ tạo lập phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo quốc gia.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các diễn giả trình bày báo cáo tham luận về Hoạt động bảo đảm thông tin KH&CN của NASATI kết nối hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; Kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; Hướng dẫn thực hành khai thác nguồn tin KH&CN trong quy trình nghiên cứu khoa học; Sử dụng môi trường không gian ảo phục vụ nghiên cứu khoa học và thử nghiệm công nghệ liên quan tới CM 4.0. Sau mỗi bài báo cáo, các đại biểu cùng đóng góp ý kiến, thảo luận để hiểu rõ hơn các vấn đề cốt lõi.

Tại Hội thảo, ông Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước đã giới thiệu tổng quan về các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia, cơ chế và quy trình xây dựng, quản lý nhiệm vụ KH&CN. Với kinh nghiệm của đơn vị quản lý và cấp phát kinh phí, ông Đạt cũng hướng dẫn các nhà khoa học cách thức và lưu ý trong quá trình đề xuất nhiệm vụ, chuẩn bị hồ sơ, viết thuyết minh và xây dựng định mức kinh phí của nhiệm vụ. Theo ông, một đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia cần đảm bảo 3 yếu tố cơ bản: có tính cấp thiết cao hoặc tầm quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; cần giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng, liên ngành và không trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ KH&CN đã và đang thực hiện. Vì vậy, cần khai thác, sử dụng thông tin trên các CSDL KH&CN của Cục Thông tin ngay từ giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để đảm bảo tính khoa học, khả thi và tránh trùng lặp trong nghiên cứu.

Trong phần trình bày về các nguồn lực kết nối hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, bà Trần Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Thư viện KH&CN quốc gia đã phân tích xu hướng và tầm ảnh hưởng của hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của Việt Nam bằng cách sử dụng các số liệu, thông tin khai thác được từ các CSDL KH&CN quốc gia và quốc tế của Cục Thông tin. Bà cho biết, các nội dung thông tin từ các CSDL KH&CN giúp cán bộ quản lý và các nhà nghiên cứu tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước và quốc tế, xác định xu hướng nghiên cứu mới, cung cấp toàn văn các tài liệu khoa học chính thống trong nước và quốc tế, lựa chọn tạp chí để công bố kết quả nghiên cứu. Đồng thời, các nguồn tin KH&CN còn giúp đo lường các sáng tạo khoa học, đánh giá năng lực nghiên cứu của cá nhân, tổ chức, quốc gia từ đó giúp kết nối mạng lưới hợp tác nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng được cấp quyền truy cập, sử dụng các CSDL KH&CN trong nước và quốc tế của Cục Thông tin.

Ngoài ra, để có thể tăng cường, nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Ban tổ chức Hội thảo tiến hành lấy ý kiến của các quý vị đại biểu tham dự về nhu cầu và đánh giá chất lượng nguồn tin KH&CN. Phiếu đánh giá này là căn cứ quan trọng để Cục Thông tin KH&CN quốc gia đánh giá hiệu quả đồng thời đưa ra các giải pháp thay đổi cơ cấu nguồn thông tin, phương thức phục vụ hiện nay để có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của các tổ chức, các nhân dùng tin.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, giúp các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu mở ra hướng tiếp cận và tư duy mới trong việc khai thác thông tin phục vụ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.