Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu cây trồng nói riêng đang là mục tiêu to lớn của quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa. DO vậy để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công thì trước hết phải có những bộ giống lúa mới cực ngắn ngày chống chịu sâu bệnh tốt hoặc né tránh thiên tai, thích ứng rộng với nhiều vùng sản xuất để phục vụ yêu cầu thâm canh tăng vụ.

Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và sản xuất không chỉ ở khắp nơi trên thế giới mà còn tác động trực tiếp đến Việt Nam. Hạn hán, lụt lội bất thường tại nhiều vùng là những biểu hiện của biến đổi khí hậu, đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp nói riêng và đời sống nói chung. Rét đậm và rét muộn ở các tỉnh phía Bắc đang xảy ra trầm trọng hơn nên cần có giống ngắn ngày để gieo muộn tránh mạ bị chết rét.

Bên cạnh đố, lũ cuốn cũng tàn phá hàng ngàn ha lúa ở miền Trung khi đang đỏ đuôi. Có nhiều giải pháp để thích ứng và sống chung với lũ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong sản xuất nông nghiệp thì sử dụng giống lúa cực ngắn để chạy lũ là một giải pháp hiệu quả nhất.

Như vậy, để có hướng đến mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực của toàn vùng, sử dụng đất lúa một cách có hiệu quả và tiết kiệm, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu thì vai trò của cây lúa có năng suất cao, cực ngắn ngày càng trở nên hết sức cấp thiết.

Vì những nhu cầu trên mà đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa cực ngắn ngày cho các tỉnh phía Bắc” được thực hiện do nhóm nghiên cứu, bao gồm Cơ quan chủ trì là Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm và Chủ nhiệm đề tài là TS. Hà Văn Nhân với mục tiêu: Chọn tạo và phát triển được giống lúa cực ngắn (80-90 ngày trong vụ mùa), năng suất cao, chống chịu khá đối với một số sâu bệnh hại chính, chất lượng khá, thích hợp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, né tránh thiên tai tại các tỉnh phía Bắc.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

1. Đã thu thập thêm được 100 dòng, giống mới. Đồng thời đã đánh giá, duy trì chọn lọc những nguồn vật liệu mới này và trên 1.500 nguồn vật liệu kế thừa.

2. Đã tạo ra được nguồn vật liệu phân ly rất phong phú để phục vụ cho quá trình chọn tạo giống lúa mới thông quá các phương pháp khác nhau (phương pháp lai hữu tính, phương pháp xử lý đột biến,…) Bước đầu xác định dược có thể ứng dụng đột biến (khi xử lý đột biến bằng nguồn C060 nên xử lý ở nồng độ 40Krad và xử lý hạt khô sẽ tạo ra được nhiều dạng phân ly) và lai để tạo ra giống lúa cực ngắn.

3. Đã chọn lọc, đánh giá các đặc điểm nông sinh học, khả năng chống chịu sâu bệnh hại chính bằng phương pháp nhân tạo và phân tích một số chi tiêu chất lượng của các dòng, giống có triển vọng này theo đúng như kế hoạch được phê duyệt.

4. Đưa vào thí nghiệm so sánh các dòng giống có triển vọng từ 8-12 dòng, giống mỗi năm và đã chọn, đánh giá được 05 dòng có triển vọng, ngắn ngày, năng suất khá để gửi khảo nghiệm VCU.

5. Đã khảo nghiệm tác giả và khảo nghiệm VCU và khảo nghiệm sản xuất thử các dòng, giống.

Trong quá trình khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm sản xuất đã xác định 02 giống N25, N26 đáp ứng được theo mục tiêu của đề tài. Năng suất trung bình của giống N25 đạt từ 60-65 tạ/ha; chất lượng gạo khá, kháng vừa với bệnh đạo ôn, thời gian sinh trưởng cực ngắn (trong vụ xuân 115-120 ngày; vụ mùa 90-92 ngày; 95-90 ngày trong vụ hè thu khi cấy và 80-85 ngày khi gieo thẳng) ngắn hơn Khang dân ít nhất từ 10-15 ngày. Giống N26 năng suất trung bình đạt 58-60 tạ/ha; chất lượng gạo khá, kháng cao với bệnh bạc lá, kháng vừa với rầy nâu, thời gian sinh trưởng ngắn (trong vụ xuân 115-120 ngày; vụ mùa 90-95 ngày, vụ hè thu 85-90 ngày); N25 đã được công nhận giống mới N26 đã được công nhận sản xuất thử.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15797/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)