Nhằm mục tiêu nghiên cứu có hệ thống về loài Sưa đỏ Dalbergia tonkinensis ở Việt Nam về mặt thực vật, hóa học và hoạt tính sinh họ kết hợp với phát hiện dịch chiết/hoạt chất có tác dụng tim mạch từ lõi gỗ cây Sưa đỏ Dalbergia tonkinensis, các nhà khoa học tại Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên do PGS. TS. Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng nhóm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng tim mạch của loài Sưa đỏ Dalbergia tonkinensis ở Việt Nam” trong thời gian từ năm 2016 đến 2018.

Để thực hiện các nội dung nghiên cứu và đạt được mục tiêu nghiên cứu nêu trên, đề tài đã áp dụng các phương pháp sau: Phương pháp thu mẫu (Mẫu thực vật được phân loại, giám định thực vật và lưu tiêu bản) ; Phương pháp nghiên cứu thực vật học và đặc điểm di truyền (Tiến hành nghiên cứu vi phẫu, đặc điểm hình thái. Chiết tách DNA của loài Sưa đỏ đã thu); Phương pháp nghiên cứu hóa học (Xử lý mẫu và phân lập); và Phương pháp đánh giá tác dụng sinh học (Phương pháp đánh giá tác dụng ức chế enzym anpha glucosidase (giảm tiểu đường); tác dụng kháng khuẩn, tác dụng tim mạch).

Những kết quả nổi bật của đề tài:

• Đã thu thập và xây dựng hồ sơ thực vật của loài Sưa đỏ Dalbergia tonkinensis.

• Đã nghiên cứu vi phẫu, đặc điểm hình thái loài Sưa đỏ Dalbergia tonkinensis.

• Nghiên cứu trình tự DNA của loài sưa đỏ Dalbergia tonkinensis và hai loài Dalbergia khác. Đã lựa chọn được các gen mồi 18S, ITS, rbcL và matK để định danh các loài Dalbergia.

• Đã đăng ký trên ngân hàng gen quốc tế – GENBANK 5 mẫu Dalbergia mồi 18S và 3 mẫu mồi ITS, trong đó có lá và lõi thân gỗ loài sưa đỏ Dalbergia tonkinensis.

• Đã xác định chính xác loài sưa đỏ Dalbergia tonkinensis về sinh học.

• Trình tự vùng gen rbcL, rpoB và rpoC của loài Sưa đỏ (Dalbergia tonkinensis) thu tại Việt Nam đã được đăng ký trên ngân hàng gen thế giới (GenBank) với số hiệu lần lượt là KY283103, KY287755 và KY287750.

• Đã tạo cao chiết cồn bột lõi thân gỗ Sưa đỏ Dalbergia tonkinensis. Cao cồn được phân bố với các dung môi hexane, chloroform, ethyl acetate, thu được các cao chiết tương ứng và cao nước.

• Đã phân lập được tổng cộng 24 hợp chất từ cao chiết hexane, chloroform, ethyl acetate và cao nước của lõi gỗ cây sưa đỏ.

• Đã ghi phổ NMR, MS và xác định cấu trúc của của 24 hợp chất trên.

• Đã phát hiện cao chiết tổng metanol lõi gỗ Sưa đỏ có tác dụng chống tiểu đường tốt với khả năng ức chế enzym glucosidase tới 98%.

• Đã phát hiện hai hợp phần etylacetat và diclometan của lõi sưa đỏ có tác dụng chống tiểu đường cao với khả năng ức chế enzym glucosidase tới 95 và 90%.

Đây là lần đầu tiên xác định được đặc điểm của ba vùng gen lục lạp rbcL, rpoB và rpoC của loài sưa đỏ Việt Nam. Ba vùng gen này có khả năng định loại loài khá cao với tỷ lệ lần lượt là 99%, 98% và 97%. Kết quả so sánh với trình tự gen của năm loài Dalbergia khác trên GenBank cho phép kết luận vùng gen rbcL là thích hợp để sử dụng cho các nghiên cứu phân loại các loài thuộc chi sưa – Dalbergia. Đề tài đã tiến hành so sánh đặc điểm các vùng gen rbcL, rpoB và rpoC giữa sưa đỏ Việt Nam (Dalbergia tonkinensis) với loài sưa đỏ Trung Quốc (Dalbergia odorifera). Trình tự vùng gen rbcL, rpoB và rpoC của loài Sưa đỏ (Dalbergia tonkinensis) thu tại Việt Nam đã được đăng ký trên ngân hàng gen thế giới (GenBank) với số hiệu lần lượt là KY283103, KY287755 và KY287750.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15396) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)