(Báo Khoa học và phát triển) Thức ăn bổ sung ecdysteroid được chiết xuất từ cây thông đỏ lá dài giúp rút ngắn thời gian lột xác trên cua, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cho cây thông đỏ và hạn chế chất thải ra môi trường

Do cua lột là sản phẩm có giá trị kinh tế cao (gấp 3 – 4 lần so với cua thịt), nhiều cơ sở nuôi đã tiến hành sản xuất cua lột nhân tạo bằng cách cắt mắt và xử lý chitosan. Phương pháp này có chi phí thấp nhưng tỉ lệ cua lột vỏ không cao. Chính vì vậy, việc sản xuất cua lột vẫn chưa được thực hiện ở quy mô lớn, chủ yếu ở các hộ dân mang tính nhỏ lẻ nên sản lượng cua lột hiện vẫn khan hiếm trên thị trường. Ngoài ra, các sản phẩm dùng nuôi cua lột còn hạn chế, đặc biệt là sản phẩm dùng để kích thích cua lột xác.

Ecdysteroid là hormon được phát hiện đầu tiên ở côn trùng, nó kích thích quá trình lột xác và biến thái của côn trùng. Tuy nhiên, ecdysteroid cũng có trong động vật giáp xác như tôm, cua. Ở cua, hormon này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình lột xác, nó hoạt hóa quá trình trao đổi chất, tổng hợp các protein, chitin và các thành phần của vỏ, kích thích tôm lột xác, giúp cua tăng trưởng, giảm bị thương và tăng khả năng miễn dịch. Ecdysteroid còn có trong rất nhiều loài thực vật, với hàm lượng cao hơn hẳn so với trong côn trùng và giáp xác. Ở Việt Nam, những nghiên cứu về tách chiết ecdysteroid rất ít (mới có từ nhộng tằm, dâu tằm và phân tằm), chưa có nghiên cứu tách chiết ecdysteroid từ thông đỏ được công bố.

Từ những lợi ích của ecdysteroid, cùng nhu cầu thực tế đặt ra, Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM đã thực hiện đề tài “Tách chiết hợp chất Ecdysteroid từ thông đỏ (Taxus wallichiana) và thử nghiệm khả năng gây lột xác trên cua”. Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu năm 2019.

ThS Bùi Thế Vinh, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, ở nước ta có điều kiện thuận lợi là nguồn nguyên liệu thực vật chứa ecdysteroid rất nhiều và dễ kiếm. Tuy nhiên, vấn đề chiết tách đòi hỏi quy trình, thiết bị khá đắt và tốn kém. Việc chọn lựa chiết tách ecdysteroid từ thông đỏ cũng nhằm tận dụng phần dịch thải trong quá trình chiết tách các hợp chất chính (10 – DAB và taxol) từ cây thông đỏ để sản xuất dược phẩm chữa ung thư do Công ty Vimedimex và Trung tâm Sâm và dược liệu TPHCM thực hiện.
Trong quy trình này, lá thông đỏ (do Trung tâm Trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt cung cấp) được rửa sạch, phơi khô, xay nhỏ, làm ẩm nguyên liệu bằng MeOH (methanol) và để trương nở hoàn toàn trong 1 giờ. Sau đó đem cô quay dưới áp suất thấp, thu được cao MeOH lỏng từ lá thông đỏ. Cao MeOH được hòa tan trong nước, lắc phân đoạn với dichlomethane (DCM). Phần cao DCM dùng để chiết tách taxol và 10-DAB. Phần dịch thải sau khi lắc phân đoạn để chiết tách hai hợp chất trên được đem cô quay dưới áp suất thấp để thu cao chứa ecdysteroid.

Thức ăn nuôi cua được bổ sungecdysteroid. Ảnh: NNC

Tiến hành nuôi thí nghiệm trên cua (trọng lượng cua nuôi ban đầu từ 40 – 50gr/con) cho thấy, cua được nuôi với thức ăn cám 45% đạm, bổ sung thêm ecdysteroid (10 ppm) có thời gian lột xác diễn ra sớm hơn, bắt đầu lột từ ngày nuôi thứ 16, tập trung và đồng loạt vào khoảng 20 ngày; trong khi cua nuôi với thức ăn thường lột xác vào khoảng từ ngày 22 đến ngày 24. Tỉ lệ cua sống và lột xác trong suốt giai đoạn nuôi thí nghiệm cao hơn so với khi cho ăn các loại thức ăn viên 45% đạm thông thường và cá tạp.

Theo nhóm tác giả, kết quả đề tài có thể áp dụng cho các cơ sở sản xuất thức thức ăn viên bổ sung ecdysteroid cho cua hoặc các đối tượng giáp xác khác. Việc sử dụng sản phẩm giúp rút ngắn thời gian nuôi, kích thích cua lột xác hàng loạt, tiết kiệm chi phí.

Nhóm tác giả cũng cho biết sẵn sàng chuyển giao toàn bộ quy trình cho doanh nghiệp để sản xuất, cung cấp ra thị trường 2 loại sản phẩm là chế phẩm dạng dung dịch cung cấp cho hộ dân và sản phẩm thức ăn dạng cốm đã bổ sung ecdysteroid.