Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo – Phát triển bền vững”, sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (Techconnect and Innovation Viet Nam 2023) chính thức khai mạc chiều 29/9/2023 tại Quảng Ninh.

Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Các hoạt động diễn ra trong 2 ngày 29-30/9/2023, nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết nối cung cầu công nghệ, tăng cường khả năng liên kết giữa các viện, trường, doanh nghiệp, mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tham dự sự kiện có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ. Về phía Bộ KH&CN có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Bộ trưởng; đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng – Thứ trưởng. Về phía UBND tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện các cơ quan Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, địa phương, các đại sứ quán, tổ chức, viện, trường, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và quốc tế…

Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 là một trong những hoạt động quan trọng của Bộ KH&CN nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, các tổ chức ở địa phương khu vực miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trao đổi công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, sự kiện nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thông qua sự kiện nhằm trình diễn, giới thiệu xu hướng công nghệ mới, sản phẩm mới; kết nối cung và cầu công nghệ theo nhu cầu của địa phương, vùng kinh tế với các đối tác trong nước và nước ngoài phục vụ ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ, nâng cao khả năng và hiệu quả hợp tác giữa doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, các nhà khoa học, nhà đầu tư dựa trên công nghệ trong nước và quốc tế, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, với sự tham gia của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN Việt Nam và quốc tế với nhiều nội dung, hoạt động tiêu biểu.

Phát biểu chào mừng sự kiện, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hướng tới phát triển thành tỉnh kiểu mẫu, trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước. Dựa trên các trụ cột thiên nhiên, con người, văn hóa, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp địa phương tạo ra năng suất lao động cao, đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Hiện, Quảng Ninh đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển hiệu quả tiềm lực, hạ tầng, kiến tạo hành lang, phát triển kinh tế vùng và nội vùng song song với văn hóa.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký kỳ vọng, các trụ cột công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ mang đến sự phát triển đột phá cho tỉnh.

Qua sự kiện, Bí thư Nguyễn Xuân Ký mong muốn tỉnh có thể nhận thêm nhiều sáng kiến, giải pháp, tư duy mới và đóng góp từ các doanh nghiệp. Địa phương cũng sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc hiệu quả.

Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng tất yếu

Tại phiên tham luận, ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có bài về “Đổi mới công nghệ, chuyển dịch năng lượng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước”. Theo ông Lê Ngọc Sơn, PVN ra đời từ niềm tin và khát vọng đổi mới sáng tạo. Hơn sáu thập kỷ hình thành và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, đóng góp nhiều trong nghiên cứu khoa học, đạt nhiều giải thưởng nhà nước về KH&CN… Hiện tập đoàn đã xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, từ tìm kiếm thăm dò, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện… với đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Lê Ngọc Sơn, năm 2023 nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng nhưng nhiên liệu hóa thạch chỉ đáp ứng 55% nhu cầu, các công ty dầu khí phải đối mặt với suy giảm nguồn cung, tăng áp lực phải giảm thiểu tác động của môi trường. Trong bối cảnh đó, các công ty đã có bước chuyển mình, tập trung vào giải pháp đổi mới công nghệ, cam kết giảm phát thải nhà kính, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trường.

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc PVN tham luận tại sự kiện

Với chủ đề “Ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Phạm Văn Tài – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết, trong bối cảnh hội nhập, Thaco áp dụng nhiều công nghệ, ứng dụng số hóa, phần mềm vào bán hàng và chăm sóc khách hàng, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo lộ trình phù hợp, cũng như ứng dụng quản trị hoạt động trong ngành giao nhận vận chuyển. Thaco xác định công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng tất yếu, ưu tiên đầu tư cho KH&CN và đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Ông Phạm Văn Tài – Tổng giám đốc Thaco khẳng định, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng tất yếu.

Chia sẻ tại chương trình với chủ đề “Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) cho rằng, phần lớn kết quả của KH&CN là đầu vào của quá trình đổi mới sáng tạo và các hoạt động đổi mới sáng tạo chuyển tri thức thành giá trị.

Cũng theo ông Vũ Đức Lợi, nhu cầu ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng cấp bách, doanh nghiệp nên xác định xu hướng thị trường, sản phẩm, dịch vụ mới với mục tiêu nâng cao năng suất…; đồng thời, thực hiện ứng dụng chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cấp dây chuyền, thiết bị; áp dụng hệ thống, tiêu chuẩn quản lý mới. Để thực hiện các hoạt động này, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển, tư vấn giải pháp nâng cao, cung cấp thông tin, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ tài chính qua các ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Theo ông Vũ Đức Lợi nhu cầu ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng cấp bách

Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra Lễ trao biên bản ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các tổ chức, đơn vị. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các lãnh đạo chứng kiến Lễ trao biên bản hợp tác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng lãnh đạo các bộ, ngành nhấn nút khai mạc sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023

Trước phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu tham quan khu trình diễn, giới thiệu công nghệ, sản phẩm tại sự kiện.

 Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN – Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/23680/khai-mac-su-kien-ket-noi-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-viet-nam-2023.aspx)