Sáng 28/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
Được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 9/1/2021, NIC cơ sở Hòa Lạc đến nay đã hình thành với thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh, là biểu tượng cho sứ mệnh hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, tạo nên các giá trị đột phá, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển vươn xa.
Lễ khánh thành NIC Hoà Lạc đánh dấu một cột mốc quan trọng của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hoà Lạc trên hành trình thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với cơ sở hạ tầng hiện đại và không gian rộng, NIC được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng như cung ứng dịch vụ công cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã tham quan, khai trương phòng lab của Samsung. Phòng lab Samsung Innovation Campus thể hiện cam kết của tập đoàn Hàn Quốc trong việc hỗ trợ tích cực NIC trở thành cái nôi trong việc đào tạo nhân tài công nghệ, dẫn dắt công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia tương lai. Samsung cũng sẽ phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia triển khai các khóa học bao gồm Big Data, AI, IoT trong khuôn khổ Dự án Samsung Innovation Campus (SIC). Dự kiến sẽ có khoảng 300 sinh viên tham gia các khóa học của Samsung Innovation Campus tại cơ sở này trong khóa học năm nay (2023 – 2024).
Trong khuôn khổ sự kiện, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, NIC đã công bố và ký kết một số thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Google, Samsung, SpaceX, Intel, Cadence, VinaCapital, Southeast Impact Alliance, VNPT, Sovico, Vietjet, HDBank, FPT, Tresemi về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, tăng cường nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn.
Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023
Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 1/11/2023, được tổ chức mang tầm quốc tế, trong khuôn khổ sự kiện khánh thành NIC cơ sở Hòa Lạc. Với mục tiêu tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng đầu, Triển lãm sẽ tạo ra sự tương tác và kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng và khám phá năng lực đổi mới sáng tạo, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác tiềm năng. Đến với VIIE 2023, khách tham dự trực tiếp được chiêm ngưỡng bức tranh công nghệ tương lai đến từ các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu trong và ngoài nước.
Triển lãm gồm những gian hàng ấn tượng giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến xoay quanh 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC bao gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, công nghệ hydrogen và công nghệ y tế, cho tới những khu trải nghiệm công nghệ hiện đại đa giác quan, nơi các sản phẩm và ứng dụng công nghệ được trình diễn sống động: không gian xanh Eco Valley, đường hầm ánh sáng và thành phố đổi mới sáng tạo.
VIIE 2023 có khoảng 200 gian hàng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn và uy tín của Việt Nam như Viettel, VNPT, Sovico, Masan, Becamex, VinFast, CT Group, Mobifone, Vietjet; các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu trên thế giới như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Intel, Signify, John Cokerill và các doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu.
Đồng thời, triển lãm còn có các gian hàng tới từ các cơ sở nghiên cứu, trường đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Cần Thơ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Mạng lưới trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học.
Khánh thành Trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn NIC Hoà Lạc
Trong khuôn khổ Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn NIC Hoà Lạc. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn đến 2045 cũng như phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam, trong thời gian qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với các tổ chức, tập đoàn công nghệ lớn về bán dẫn trên thế giới để hợp tác xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu thiết kế chip bán dẫn tại Việt Nam. Trung tâm đào tạo thiết kế chip tại NIC Hoà Lạc được hình thành với sự kết hợp giữa các đối tác công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Synopsys, Đại học Arizona, Keysight cùng với Sun Edu – doanh nghiệp được hình thành bởi các chuyên gia đầu ngành người Việt Nam có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn tại Silicon Valley, và các đối tác trong nước VNPT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) …
Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn NIC Hòa Lạc hướng tới hoạt động đào tạo nâng cao, ngắn hạn 3 – 6 tháng cho các kỹ sư đã đi làm. Chương trình đào tạo là sự kết hợp của chương trình đào tạo chuẩn quốc tế và các giáo sư thỉnh giảng từ Đại học Arizona, kết hợp các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam từ Đại học Quốc gia Hà Nội. Đối với đào tạo chính quy, trung tâm sẽ tập hợp tài nguyên, chia sẻ truy cập vào sử dụng hệ thống phần mềm đào tạo của Synopsys, tập đoàn số 1 thế giới về công cụ thiết kế vi mạch EDA cho các trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam. Các dự án thiết kế vi mạch xuất sắc sẽ được NIC hỗ trợ ươm tạo thành các startup về bán dẫn, mẫu thiết kế sẽ được gửi đi để sản xuất tại các nhà máy sản xuất bán dẫn. Sau khi sản xuất thì vi mạch sẽ được đo kiểm bằng thiết bị đo kiểm của Keysight, tập đoàn số 1 thế giới về thiết bị đo lường bán dẫn.
P.A.T (Tổng hợp) vista.gov.vn