Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (giữa) phát biểu tại Hội thảo về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023 chiều 10/10. Ảnh: TTTT

Ngày 10/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cùng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo giới thiệu Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023 và kết quả của Việt Nam.

TS Sacha Wunsch-Vincent tham gia trực tuyến với báo cáo giới thiệu chỉ số GII 2023 của WIPO. Ảnh: TTTT

Hội thảo này được tổ chức thông qua hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với các điểm gặp gỡ tại Trụ sở Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã chia sẻ về Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023. Theo báo cáo này, Việt Nam đã đạt hạng 46/132 quốc gia và khu vực tham gia, đánh giá rất tích cực là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình có sự tiến bộ đáng kể về Đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Đặc biệt, Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong các chỉ số cụ thể, Việt Nam cũng đã có những sự cải thiện. Thứ hạng Đầu vào Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 2 bậc, từ vị trí 59 lên 57. Đầu ra Đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng tăng 1 bậc, từ vị trí 41 lên 40. Ngoài ra, Việt Nam trong khu vực ASEAN xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 36) và Thái Lan (hạng 43).

Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã nhấn mạnh rằng, Báo cáo GII 2023 đã giúp cho các tỉnh và thành phố trên cả nước nhìn rõ hơn về những khía cạnh cần phát triển trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, và làm cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo.

Các chỉ số tăng bậc nhiều và có thứ hạng cao trong GII 2023 của Việt Nam, như: Nghiên cứu và phát triển (tăng 24 bậc, từ 68 lên 44), trong đó Chi R&D trung bình của 3 công ty hàng đầu có đầu tư ra nước ngoài tăng 9 bậc; Các liên kết đổi mới sáng tạo (tăng 5 bậc, từ 48 lên 43); Tác động của tri thức (tăng 16 bậc, từ 40 lên 24); Sản phẩm và dịch vụ sáng tạo (tăng 21 bậc, từ 50 lên 29); Các doanh nghiệp liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo ISO, theo đó, chỉ số về giá trị ISO 9001/PPP$GDP đã tăng 15 bậc so với năm 2022, từ vị trí 65 lên 50 năm 2023; Số chứng chỉ ISO 14001/tỷ PPP GDP (tăng 11 bậc, từ 54 lên 43). Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm dù còn nhỏ nhưng cũng đã có sự cải thiện lớn so với năm 2022, xếp hạng 60, tăng 17 bậc so với 2022.

Năm 2023, chỉ số GII có một số thay đổi về các chỉ số thành phần, nguồn dữ liệu và cách tính chỉ số thành phần. Trong đó, có chỉ số mới về start-up như “Giá trị của các doanh nghiệp kỳ lân” (Việt Nam được xếp hạng 33).

Nhiều chỉ số vẫn duy trì được được thứ hạng cao hoặc có rất nhiều tiến bộ so với các năm trước, như: Môi trường kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt (vị trí 31) so với năm 2015 (121) và năm 2020 (101), trong đó các chỉ số Chính sách cho doanh nghiệp hoạt động (36) và Chính sách khởi nghiệp và văn hóa (24); Đa dạng hóa của ngành công nghiệp nội địa (hạng 7); Phần chi R&D do doanh nghiệp trang trải (% tổng chi cho R&D) (hạng 9); Hợp tác đại học – doanh nghiệp (27) – đã được cải thiện rất nhiều so với nhiều năm trước (hạng 89 năm 2015, hạng 65 năm 2020); liên kết đổi mới sáng tạo được cải thiện rất tốt (43) so với nhiều năm trước (từ vị trí 120 năm 2015, 75 năm 2020); Quy mô phát triển của cụm công nghiệp (26), so với vị trí 72 năm 2015 và 42 năm 2020; Dòng vốn ròng đầu tư trực tiếp nước ngoài (%GDP) (24); Đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ (39); Tốc độ tăng năng suất lao động (4), so với hạng 17 năm 2015; Xuất khẩu công nghệ cao (3); Tài sản vô hình (32), so với hạng 74 năm 2015; Sản phẩm và dịch vụ sáng tạo (29), so với vị trí 40 năm 2015; Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (7); Sáng tạo ứng dụng di động hạng 8, so với hạng 57 năm 2015

Báo cáo GII 2023 cũng đã cho thấy một số chỉ số đổi mới sáng tạo đang duy trì mức tăng. Ví dụ, chỉ số liên quan đến số lượng ứng dụng phần mềm sản xuất, liên quan đến ứng dụng di động đã tăng rất cao, đứng thứ 8 với điểm giá trị là 82,6. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, đóng góp của tác phẩm và sản phẩm sáng tạo, cũng như các clip được chia sẻ trên mạng xã hội đã góp phần vào giá trị về sáng tạo của Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã nhấn mạnh, để phát triển đổi mới sáng tạo cần sự đóng góp từ tất cả các bên, từ khâu khởi đầu đến khâu cuối. Ông cũng đưa ra ví dụ về những chỉ số cần được cập nhật, chẳng hạn như Chỉ số xuất nhập khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); tiền bản quyền tác giả, lệ phí, giấy phép mới, mà còn có nhiều cơ hội để cải thiện vị trí đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng với các cơ quan liên quan triển khai các đánh giá về mức độ đổi mới sáng tạo, từ đó xây dựng một công cụ để đánh giá những yếu điểm và cơ hội trong việc phát triển đổi mới sáng tạo, đặc biệt đối với các tỉnh và địa phương, để họ có thể định hướng phát triển đúng hướng và góp phần nâng thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu.

P.A.T (Tổng hợp)  vista.gov.vn