Từ bỏ công việc tại một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương nghìn đô, anh Cương trở về quê “lội ruộng” và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân.

Trước khi về quê khởi nghiệp, anh Lê Minh Cương (SN 1992), trú tại TP. Thanh Hóa từng là du học sinh tại một trường ĐH danh tiếng của Singapore. Tốt nghiệp, trở về nước, anh nhận được công việc với mức lương nghìn đô tại một doanh nghiệp nước ngoài.

Thế nhưng, sau 2 năm làm việc miệt mài và đang có sự thăng tiến, anh lại quyết định nghỉ việc, về quê “lội ruộng”.

“Từ khi tôi còn đang học bên Singapre, được đi du lịch ở một số nước, tôi nhận thấy họ làm nông nghiệp rất quy mô, bài bản, nhất là chế biến sâu. Vì vậy, tôi luôn đau đáu ước mơ nghiên cứu và chế biến các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu của chính mình, mang đi giới thiệu cho người tiêu dùng quốc tế”, anh Cương nói.

Đang có mức lương nghìn đô, anh Cương quyết định về quê khởi nghiệp nông nghiệp.

Năm 2016, sau khi tích lũy được chút vốn, anh quyết định rời Sài Gòn, từ bỏ mức lương nghìn đô về Thanh Hoá, đến các vùng quê để nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp.

Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh bắt đầu thực hiện ước mơ của mình bằng sản phẩm từ quả gấc như nước ép gấc, dầu gấc. Trong suốt 3 năm, anh đã tự tìm kiếm nguồn nguyên liệu, mua sắm trang thiết bị, nhà xưởng và thuê 20 nhân công về làm việc.

Thế nhưng, con đường khởi nghiệp không dễ dàng như anh nghĩ. Sản phẩm không có thị trường tiêu thụ, thiếu hụt nguồn vốn, cơ sở của anh buộc phải đóng cửa sau 3 năm cùng với món nợ lớn.

Anh đã tự mày mò nghiên cứu các loại gia vị và phát triển sản phẩm cho riêng mình.

Quyết không bỏ cuộc, anh Cương dành cả một năm để nhìn lại và nghiên cứu thị trường, phân tích lại những gì còn thiếu sót, chưa hoàn thiện trên thương trường. Ngoài ra, anh còn trực tiếp đi đến các cánh đồng, tự lội ruộng cùng bà con nông dân để nghiên cứu tìm sản phẩm phù hợp, nếm đủ loại gia vị mà mình tìm thấy được.

“Vào mùa đông năm 2019, tôi về quê, thấy giá nông sản của bà con nông dân rớt thê thảm, đặc biệt là ớt rất nhiều, chất lượng mà không ai mua, bà con phải đem ra đường đổ bỏ. Các đầu mối cam kết thu mua nhập cho Trung Quốc đều đã đóng cửa. Chính điều đó đã thôi thúc tôi về ý tưởng nghiên cứu phát triển các loại gia vị của mình”, anh Cương kể.

Sản phẩm tương ớt, tương cà của anh thành công sau 47 lần thử nghiệm.

Anh quyết định đi tìm hiểu thị trường, tham quan rất nhiều các bếp ăn, món hàng gia vị. Điều khiến anh bất ngờ nhất đó là, hầu hết các sản phẩm gia vị mà người Việt mình đang dùng lại là sản phẩm đồ chấm công nghiệp luôn có chất phụ gia. Những thứ đó không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

“Tôi mày mò trên mạng xem công thức chế biến và bảo quản của ông bà ngày xưa làm như thế nào rồi làm thử, tự ghi lại các công thức riêng để đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, từng sản phẩm”, anh Cương cho hay.

Đợt sản xuất đầu tiên anh cho ra đời 4.000 chai tương ớt và nhanh chóng bán hết.

Sau 47 lần thí nghiệm, anh Cương đã cho ra đời sản phẩm tương ớt mang những đặc trưng riêng mà không có bất kỳ chất phụ gia nào. Khi đã hài lòng với sản phẩm tương ớt mà mình nghiên cứu, anh Cương bán nhỏ lẻ cho các cửa hàng ăn, bán online để thăm dò khách hàng, sau bao vất vả, thành công đã đến với chàng trai trẻ Lê Minh Cương bởi khách hàng đánh giá rất cao sản phẩm anh làm ra.

Sản phẩm tương ớt với 12 quy trình sản xuất, từ thu hoạch, chế biến, đến đóng gói và cung ứng ra thị trường phù hợp và tự tin phát triển.

Đợt sản xuất lớn đầu tiên, anh cho ra đời 4.000 chai tương ớt và nhanh chóng bán hết. Đến tháng 3/2020, anh chính thức thành lập công ty với 4 lao động chính và tăng lên 12-15 lao động vào 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm, mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Công ty anh cũng tạo công ăn việc làm cho từ 12-15 lao động với mức lương khá.

Để chủ động được nguồn nguyên liệu sạch, tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Cương đã tìm hiểu các vùng trồng ớt nguyên liệu, thực hiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt sạch cho nông dân ở hai huyện Thạch Thành và Thiệu Hóa.

Ngoài thành công với sản phẩm tương ớt, anh sản xuất thêm sản phẩm tương cà. Nguyên liệu ban đầu anh Cương lựa chọn là cà chua từ vùng nguyên liệu của bà con ở các vùng quê xứ Thanh.

Doanh thu từ chế biến tương ớt, tương cà của doanh nghiệp do anh làm chủ đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

So với vị tương cà của nước ngoài sản xuất công nghiệp thì tương cà anh làm ra đỡ chua hơn, không phụ gia, không chất bảo quản nhưng vẫn giữ được mùi vị của cà chua tự nhiên.

Mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường hơn 20.000 chai tương ớt, tương cà ở thị trường của 42 tỉnh, thành phố trên cả nước, doanh thu mang lại khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ, những kế hoạch trong tương lai, chàng trai trẻ Lê Minh Cương tự tin cho biết, hiện nay anh nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của bạn bè nước ngoài sau khi thưởng thức sản phẩm của anh. Các đơn hàng trong nước đã phủ kín các tỉnh thành toàn quốc, bắt đầu những đơn hàng đầu tiên ra nước ngoài.

Cùng với đó, anh mong muốn trong thời gian tới sẽ chinh phục thị trường thế giới, xuất khẩu các sản phẩm gia vị mang đặc trưng của người Việt Nam ra thị trường quốc tế.

THEO MINH HỢP
(Báo Dân Việt)