Giun nhiều tơ Perinereis nuntia var. brevicirris (Grube, 1857) được sử dụng rộng rãi như là một loại thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ nuôi trong các trại sản xuất nhằm mục đích nâng cao mức độ thành thục, chất lượng trứng và tinh trùng, đặc biệt là khi giun đang trong giai đoạn sinh sản, do chất lượng của giun trong giai đoạn này giúp tăng khả năng sinh sản của tôm. Ngoài vai trò làm làm thức ăn trong ngành thủy sản, chúng còn có vai trò to lớn trong việc chuyển hoá các chất mùn bã hữu cơ và xác động vật chết trong chu trình chu chuyển vật chất của hệ sinh thái vùng triều như xử lý chất thải hữu cơ, tạo nên độ phì nhiêu, tơi xốp và thông thoáng cho các vùng đất ngập nước. Chính nhờ khả năng tự làm sạch thuỷ vực nên loài giun này còn được một số các nhà khoa học biển xem như là các sinh vật chỉ thị mức ô nhiễm môi trường bằng cách xác định mật độ quần thể, sản lượng và tần suất xuất hiện tại một vùng bờ biển nào đó ở Việt Nam.

Ở Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về giun nhiều tơ như nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh sản, nghiên cứu về sản xuất giống và nuôi thương phẩm giun nhiều tơ. Tuy nhiên, chất lượng trứng, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ sống của ấu trùng mới nở đến con giống và năng suất nuôi thương phẩm còn chưa ổn định. Do vậy, nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Văn Dũng tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm giun nhiều tơ Perinereis nuntia var. brevicirris (Grube, 1857) quy mô hàng hóa làm thức ăn nuôi vỗ tôm bố mẹ” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2018.

Đề tài đã thu được các kết quả nổi bật như sau:

– Nuôi vỗ thành thục giun nhiều tơ Perinereis nuntia var. brevicirris bằng thức ăn tổng hợp có bổ sung vitamin E với hàm lượng 800mg/kg thức ăn cho kết quả tốt hơn cả về tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống, tỷ lệ thành thục và sức sinh sản.

– Thức ăn và mật độ ương nuôi không ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ sinh trưởng và sự phát triển số đốt của ấu trùng giun nhiều tơ giai đoạn sống trôi nổi. Tuy nhiên, chúng chỉ ảnh hưởng trực tiếp lên tỷ lệ sống của ấu trùng ở giai đoạn này.

– Thức ăn và mật độ và lưu tốc dòng chảy ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của giun ở giai đoạn xuống đáy. Tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất khi cho ăn thức ăn kết hợp giữa thức ăn tổng hợp và bột cá với tỷ lệ 30: 70, mật độ ương nuôi 35.000 con/m2 và lưu tốc dòng chảy 1,0 lít/ phút.

– Trong nuôi thương phẩm, chế độ và khẩu phần cho ăn và hình thức nuôi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống của giun. Sử dụng chế độ cho ăn 3 lần/ngày và khẩu phần 2% khối lượng thân/ngày và nuôi thương phẩm bằng phương pháp nuôi ẩm đạt tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống và năng suất cao nhất.

– Không pháp hiện mầm bệnh trong suốt quá trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm giun nhiều tơ đặc biệt là virút gây bệnh trên tôm biển.

Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm giun nhiều tơ làm thức ăn nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ, góp phần thúc đẩy người nuôi trồng thủy sản có thêm cơ hội thành công mới khi nuôi thương phẩm đối tượng này là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17604/2018) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: vista.gov.vn