Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Trụ sở Bộ KH&CN
Chiều ngày 05 tháng 10 năm 2022, tại Hà Nội, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) và Vụ Phát triển KH&CN địa phương đã phối hợp tổ chức Hội thảo thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu của 20 Sở KH&CN (thuộc 20 địa phương thí điểm xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương).
Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có Ông Hoàng Minh – Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST; Ông Chu Thúc Đạt – Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương; đồng thời có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN, các sở KH&CN và sở ngành liên quan của các địa phương cùng tham gia.
Việc triển khai thí điểm xây dựng bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương là nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ KH&CN. Thời gian qua, Học viện KHCN&ĐMST đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng khung chỉ số và nội dung hướng dẫn địa phương thực hiện thu thập dữ liệu phục vụ triển khai thí điểm đánh giá bộ chỉ số này. Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ KH&CN thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương.
Khung bộ chỉ số PII gồm 51 chỉ số, trong đó có 15 chỉ số sẽ lấy dữ liệu từ các địa phương; 36 chỉ số lấy dữ liệu từ các bộ ngành và các tổ chức khác ở trung ương. Các sở KH&CN là đầu mối thu thập, tổng hợp dữ liệu của địa phương. Chỉ số PII do địa phương cung cấp gồm các chỉ số về thể chế; giáo dục; cơ sở hạ tầng; tín dụng; liên kết ĐMST; doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động của ĐMST đến phát triển kinh tế – xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố trong việc thu thập dữ liệu, lựa chọn các nguồn dữ liệu để có được dữ liệu chính thức, cập nhật, phản ánh được kết quả hoạt động và đóng góp của KHCN&ĐMST vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN đã cung cấp thông tin, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của các địa phương. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh/thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KHCN&ĐMST.
Nguồn: Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo