Ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là thế mạnh và là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Cá tra đang là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong thủy sản về giá trị lẫn sản lượng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn là vấn đề chưa khắc phục được của các vùng nuôi. Vì thế, hiệu quả sản xuất giảm do tỷ lệ hao hụt ngay từ công đoạn giống lên thương phẩm. Hầu hết các vùng nuôi đều xuất hiện bệnh phổ biến trên cá tra, nhất là bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri và bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra.

Dù đã có những quy định về việc hạn chế sử dụng kháng sinh trong thủy sản, nhưng kháng sinh vẫn là biện pháp được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam để điều trị bệnh do vi khuẩn. Sự gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh và dư lượng kháng sinh trong môi trường nuôi thủy sản đã và đang trở thành mối quan ngại cho người nuôi cũng như người dùng. Từ thực tế đó, ThS. Lê Lưu Phương Hạnh cùng các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chính Minh đã thực hiện đề tài: “Phân lập các chủng vi khuẩn có hoạt tính đối kháng với vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long” từ năm 2018 đến năm 2021.

Từ 96 mẫu (bùn, nước ao, cá) thu được ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, nhóm nghiên cứu đã phân lập và lựa chọn được 96 khuẩn lạc có hoạt tính đối kháng với cả E. ictaluri và A. hydrophila.

Kết quả là đã định danh được chủng B. amyloliquefaciens BPT-894 và B. subtilis BMHH-421 và sử dụng trong các thử nghiệm trên cá tra. Cả 2 chủng đều an toàn cho cá tra thử nghiệm, tỷ lệ sống của cá tra khi nuôi trong môi trường bổ sung B. amyloliquefaciens BPT 894 và B. subtilis BMHH 421 (trong 72 giờ) đạt 100% (103 – 105 CFU/mL).

Cả 2 chủng B. amyloliquefaciens BPT 894 và B. subtilis BMHH 421 đều có hiệu quả bảo vệ cá tra kháng bệnh gan thận mủ và xuất huyết khi bổ sung vào môi trường nuôi. Chủng B. amyloliquefaciens BPT-894 và B. subtilis BMHH-421 hỗ trợ cá tra kháng bệnh sau 72 giờ xử lý, giảm tỷ lệ chết của cá khi cảm nhiễm với E. ictaluri và A. hydrophila, tỷ lệ sống tương đối RPS đạt 50 – 60% (tùy thuộc vi khuẩn gây bệnh).

Ngoài ra, B. amyloliquefaciens BPT-894 và B. subtilis BMHH-421 ức chế và kiểm soát độc lực của vi khuẩn E. ictaluri (sau 48 giờ), A. hydrophila (sau 72 giờ) và E. ictaluri + A. hydrophila (sau 72 giờ). RPS đạt 97,06% (đ/v E. ictaluri), 97,50% (đ/v A. hydrophila) và 92,68% (đ/v A. hydrophila+E. ictaluri).

Đề tài đã phát triển được chế phẩm gồm 2 vi khuẩn B. amyloliquefaciens BPT894 và B. subtilis BMHH-421. Mật độ 5,5 x 108 CFU/g. Bảo quản và duy trì mật độ trong 6 tháng ở nhiệt độ phòng (độ ẩm ≤10 %MC).

Việc phát triển chế phẩm sinh học bao gồm 2 chủng B. amyloliquefaciens BPT894 và B. subtilis BMHH-421 có khả năng ứng dụng rất lớn, góp phần kiểm soát được bệnh gan thận mủ và xuất huyết trong ngành công nghiệp nuôi cá tra, giúp tăng sản lượng nuôi cũng như chất lượng sản phẩm. Từ đó tăng nguồn thu nhập cho người nuôi.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17637/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)