Người bị câm là người không có khả năng nói với người khác bằng ngôn ngữ thông thường. Với các người câm, họ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ riêng, bằng ngôn ngữ hình thể hoặc ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, khi nói chuyện với người thường, những người không biết về ngôn ngữ ký hiệu, thì rất khó cho họ hiểu được người câm nói gì qua ngôn ngữ ký hiệu ấy, do vậy tạo nên rào cản giữa người câm và người thường khi sinh hoạt trong cộng đồng, khi trao đổi thông tin lẫn nhau.

Để phần nào cải thiện vấn đề đó, năm 2020, ThS. Nguyễn Tuấn Hùng cùng các cộng sự tại Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo mẫu găng tay nhận dạng cử chỉ ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt, hỗ trợ giao tiếp người câm”.

Mục tiêu của đề tài nhằm: Chế tạo hệ thiết bị gắn trên găng tay thông thường để tạo ra đôi găng tay thông minh nhằm nhận dạng hình dạng và cử chỉ bàn tay trong ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt, từ đó chuyển đổi thành văn bản tiếng Việt và tiếng nói, trợ giúp người câm giao tiếp với người thường trong các tình huống thông dụng.

Đề tài thực hiện nghiên cứu thiết kế chế tạo một thiết bị có thể giao tiếp giữa người câm với người bình thường, đó là găng tay thông minh chuyển các tả hình dạng và chuyển động của tay người đeo nó thành các chữ hiển thị trên màn hình hoặc tiếng nói tới người nghe bình thường.

Găng tay chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản, tiếng nói là một đôi găng tay thông thường được gắn các cảm biến uốn cong, cảm biến tiếp xúc, cảm biến gia tốc để thu thập các ký hiệu thao tác co duỗi của các ngón tay và khớp tay, các chuyển động của tay và bàn tay. Các tín hiệu từ các cảm biến này được ghi nhận và xử lý, sau đó được khớp gần đúng với các dữ liệu đã được xây dựng hoặc huấn luyện theo nguyên tắc gần đúng nhất theo một thuật toán nhất định.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17630/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)