Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Nền văn hóa nghìn năm của dân tộc ta đã được gìn giữ và thể hiện đậm nét qua hình ảnh các làng nghề truyền thống trên khắp đất nước. Hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) qua đó đã trở thành những vật thể hữu dụng kết tinh đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và sự tài hoa của những con người Việt Nam.
Trong xu thế tất yếu của toàn cầu hóa và trong bước chuyển mình lớn lao của thời đại mới, với mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã từng bước vươn ra thế giới, đưa nhiều mặt hàng chất lượng cao của đất nước mình đến với người tiêu dùng quốc tế. Hàng TCMN Việt Nam cũng theo xu thế chung đó mà trở thành mặt hàng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp và là ngành hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng, được ưa chuộng trên toàn thế giới. Hàng TCMN đã đóng góp thêm vào giá trị sản xuất công nghiệp của các địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Không những vậy, ngành sản xuất hàng TCMN với đặc tính sử dụng nhiều lao động thủ công đã tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần ổn định kinh tế và thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, giảm tệ nạn xã hội, duy trì và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.
Điều đó làm cho ngành sản xuất này trở thành lĩnh vực kinh doanh không những có ý nghĩa kinh tế hiệu quả mà còn đảm bảo ý nghĩa xã hội đáng trân trọng. Chính vì vậy, đẩy mạnh xuất khẩu hàng TCMN sẽ mang lại lợi ích to lớn về cả kinh tế và văn hóa – xã hội cho đất nước, đảm bảo sự phát triển đồng đều và ổn định, đồng thời tiếp thêm sức tồn tại lớn mạnh, vững bền cho các làng nghề truyền thống, tạo tiền đề giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới. Tuy vậy, bên cạnh việc được coi là nhóm hàng hứa hẹn mang lại giá trị xuất khẩu to lớn, có tỉ lệ thực thu sau xuất khẩu rất cao do sử dụng đến 95% nguyên liệu sẵn có và rẻ tiền trong nước, hàng TCMN Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt nhất những tiềm năng và lợi thế mà nó có được. Mức độ phát triển của ngành hàng này vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm lực của nó, khi doanh thu xuất khẩu những năm gần đây dù có tăng trưởng nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, các mặt hàng TCMN còn bộc lộ nhiều điểm yếu và lượng xuất khẩu còn thiếu ổn định. Điều đó cho thấy ngành sản xuất hàng TCMN cần được quan tâm phát triển đúng hướng và đầu tư lâu dài để nâng cao chất lượng hàng hóa, ổn định 7 nguồn nguyên liệu đầu vào và củng cố thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng như dịch Covid-19 hoặc thương chiến Mỹ – Trung như hiện nay thì việc đưa ra những giải pháp cần thiết, kịp thời và hiệu quả để phát triển nhóm hàng này càng trở nên quan trọng và cần được quan tâm đặc biệt hơn.
Nhằm đánh giá thực trạng về các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở khu vực phía Bắc hiện nay cũng như thực trạng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đến năm 2025, Cục Công thương địa phương phối hợp với ThS. Nguyễn Toàn Thắng – chủ nhiệm đề tài – thực hiện: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đến năm 2025”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra một số kết luận như sau:
- Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là mặt hàng có truyền thống lâu đời của Việt Nam và được xuất khẩu khá sớm so với các mặt hàng khác, đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đồng thời có một vai trò quan trọng trong giải quyết một số vấn đề kinh tế xã hội tại nông thôn. Tuy ngành TCMN có kim ngạch xuất khẩu không cao so sánh nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, nhưng hàng mỹ nghệ lại mang về cho đất nước thực thu ngoại tệ có một tỷ trọng rất cao trong kim ngạch xuất khẩu của mình. So với một số mặt hàng khác như may mặc, gỗ và giày da do nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài giá trị gia tăng của các ngành này chủ yếu là chi phí gia công và khấu hao máy móc thiết bị, cho nên giá trị thực thu ngoại tệ mang về cho đất nước chỉ chiếm một tỷ trọng từ 5-20% trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu. Với đặc điểm tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, ngành TCMN đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu; giải quyết một phần nguồn lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, xoá đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng rời bỏ nông thôn của thanh niên các làng quê…
- Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng TCMN đa số vẫn là các đơn vị vừa và nhỏ, quy mô sản xuất manh mún, nhà xưởng sản xuất còn thiếu và máy móc thiết bị phụ trợ sản xuất còn đơn sơ, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu của những đơn hàng lớn, hoặc khi có đơn hàng lớn lại gặp phải thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, phải huy động các cơ sở gia công riêng lẻ, dẫn đến chất lượng hàng hoá không ổn định, hoặc thời gian giao hàng kéo dài không đảm bảo được thời gian hợp đồng. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các nhà sản xuất và kinh doanh còn hạn chế, thiếu chiến lược cộng tác lâu dài. Hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà sản xuất không được quan tâm, thiếu tin cậy lẫn nhau: Tranh mua tranh bán, làm giảm hiệu quả kinh doanh, chưa phát huy được thế mạnh của cộng đồng. Lực lượng lao động thiếu ổn định do thu nhập của ngành mỹ nghệ còn thấp so với các ngành khác. Lao động sau đào tạo nghỉ việc tự lập cơ sở sản xuất hoặc chuyển qua các ngành có thu nhập cao, làm cho đơn vị sản xuất TCMN thường gặp khó khăn về lao động có tay nghề. Các đơn vị sản xuất nhỏ thường thiếu thông tin, thiếu vốn, khả năng tiếp thị và xúc tiến thương mại rất hạn chế, hàng hoá nhiều lúc phải bán qua nhiều trung gian, làm cho giá bán thấp, sản xuất thiếu hiệu quả, không có khả năng đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm trang bị và cải tiến máy móc thiết bị, hạn chế việc phát triển và nâng cao chất lượng lẫn số lượng sản phẩm.
- Đối với kim ngạch và thị trường xuất khẩu: Năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu sang 175 quốc gia với tổng kim ngạch lên tới 300 tỷ đô la. Các nhóm sản phẩm có đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN là gốm sứ, mây tre đan và các sản phẩm từ cói, lục bình. Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, Nhật, EU, Đài Loan… Mặc dù đạt được khá nhiều thành tựu trong việc xuất khẩu TCMN trong thời gian qua song có thể thấy kim ngạch xuất khẩu thuộc ngành hàng TCMN còn khá khiêm tốn, chỉ đạt 0,3 đến 0,6% tổng kim ngạch nói chung. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu TCMN của Việt Nam phát triển chưa xứng tầm so với tiềm lực vốn có một phần do những hạn chế về cách thức quản lý và sản xuất của các cơ sở sản xuất và một phần các sản phẩm hàng TCMN Việt Nam phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia sản xuất các mặt hàng cùng loại từ rất nhiều quốc gia ở Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Myanma… Ngoài ra, TCMN vẫn còn bỡ ngỡ với bài toán đổi mới mẫu mã, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc… khi xâm nhập thị trường quốc tế.
- Mặc dù có sự phát triển chưa xứng tầm song có thể thấy ngành TCMN vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn, có tác dụng rõ rệt trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên tinh thần kế thừa và phát huy những mặt tích cực của việc sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN trong thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển trong giai đoạn hiện nay và tương lai, đề tài đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu TCMN đến năm 2025.
5.Để những giải pháp này được đưa vào thực hiện, trước hết các cơ sở sản xuất TCMN phải thay đổi tư duy và phương thức sản xuất. Sự thay đổi tư duy ở đây chính là sự năng động, dám đổi mới để bước vào một sân chơi lớn với sự cạnh tranh khốc liệt của yếu tố thị trường. Ngoài ra, các chính sách của nhà nước cũng cần có mục tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng và giám sát mức độ thành công hay thất bại trong khoảng thời gian nhất định, đặc biệt chính sách phải thể hiện rõ hoạt động sản xuất và xuất khẩu TCMN sẽ làm gì để đạt được, sẽ hành động thế nào. Nếu có được sự đồng thuận, hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện, hoạt động sản xuất và xuất khẩu TCMN sẽ đi theo đúng định hướng phát triển bền vững, phát huy được hết các thế mạnh và tiềm năng của mình.
Như vậy, đề tài đã hệ thống hoá cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hàng TCMN của làng nghề và doanh nghiệp làng nghề; xây dựng được những dữ liệu quan trọng và cần thiết về làng nghề, doanh nghiệp làng nghề góp phần truyền tải những thông tin, số liệu, quan điểm, nhu cầu từ cơ sở tới các Bộ, ngành, hiệp hội và các cơ quan chức năng và đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam đến năm 2025.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18339/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.