Mùi cơ thể cũng có thể là một dấu ấn sinh học giúp phát hiện sớm các chứng bệnh. Dù mang màu sắc “siêu năng lực“, ngửi mùi đoán bệnh hoàn toàn có cơ sở khoa học. Một chiếc mũi nhân tạo khi ngửi mùi cơ thể người có thể nói lên rất nhiều điều về tình trạng sức khỏe. Đây thực thực sẽ là một cuộc cách mạng trong y học.
Mũi nhân tạo sẽ giúp chẩn đoán nhiễm trùng, xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nó có thể làm điều đó nhanh hơn nhiều so với kiểm tra sinh học truyền thống khi mất 48 giờ trong phòng thí nghiệm, thì với mũi nhân tạo chỉ mất 24 giờ để nhận dạng cho một loại vi khuẩn và do đó đưa ra loại kháng sinh thích hợp.
Trên thực tế, chiếc mũi này được tạo thành từ các cảm biến khác nhau, chúng sẽ thay đổi màu khi chúng tiếp xúc với các phân tử có mùi. Thí nghiệm được thực hiện với máu của bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn. Mỗi loại vi khuẩn, bằng cách phát ra mùi riêng, tạo màu cho các cảm biến và màu sắc sẽ xác định vi khuẩn. Nó vẫn đang được thử nghiệm, nhưng rất triển vọng.
Vi khuẩn phát ra mùi, giống như tất cả các sinh vật sống. Ở động vật có vú, nó cũng là một phương tiện nhận dạng. Con chó đực nhận ra con chó cái bằng mắt, nhưng cũng bằng mũi… Đối với con người, mùi cơ thể cũng có những đặc trưng riêng và có thể dùng như tín hiệu nhận biết hoặc quyến rũ. Mùi của cơ thể người một phần nhỏ đến từ các tuyến mồ hôi mà chúng ta có ở khắp mọi nơi trên cơ thể, những tuyến mồ hôi cho phép chúng ta điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Khi bạn chạy thì cơ thể nóng lên nên bắt đầu đổ mồ hôi làm mát cơ thể.
Các tuyến mồ hôi mà chúng ta có ở nách, bẹn, gần núm vú (ở phụ nữ) và hoặc bộ phận sinh dục ở cả hai giới, tạo ra một loại mồ hôi có chứa protein. Đó là thức ăn lý tưởng cho vi khuẩn, khi chúng ăn mồ hôi của chúng ta, những vi khuẩn này tạo ra các hợp chất có mùi gây ra mùi cơ thể của chúng ta. Và chúng ta càng để những vi khuẩn này ăn lâu thì mùi càng trở nên nồng nặc.
Đau họng, cảm cúm, đi kèm với những mùi khá khó chịu cũng do vi khuẩn trú ngụ trong cổ họng, mũi, phổi, v.v. Chẩn đoán chỉ dựa trên mùi đôi khi là một chút kinh nghiệm dân gian: mùi amoniac với bệnh thận, hoặc mùi cải ngựa trong trường hợp tổn thương gan,… Một số khối u ác tính cũng được cho là phát ra mùi đặc biệt mà chó có thể phát hiện ra. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chó có thể ngửi nước tiểu của bệnh nhân để xác định người mang mầm bệnh ung thư tuyến tiền liệt hoặc ngửi hơi thở của họ để phân biệt bệnh nhân ung thư phổi và người khỏe mạnh. Tương tự đối với tế bào ung thư vú và tế bào khỏe mạnh: chó cũng cảm nhận được sự khác biệt. Vì vậy, với chiếc mũi nhân tạo hoặc chó đánh hơi, có thể phạm vi của các xét nghiệm chẩn đoán đang được mở rộng đáng kể.
Nhưng tại sao người bệnh có mùi khác? Cơ thể chúng ta cũng là một nhà máy tạo mùi, nó liên tục phóng các chất dễ bay hơi từ hơi thở và mọi lỗ chân lông vào không khí. Các chất này có thể thay đổi theo tuổi tác, chế độ ăn và có khả năng một căn bệnh nào đó có thể làm bong một số yếu tố trong bộ máy trao đổi chất của chúng ta, tạo ra mùi đặc trưng.
Năm 2022, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc công bố báo cáo về mũi điện tử – một máy cảm biến sử dụng trí tuệ nhân tạo mô phỏng theo khứu giác – để đánh hơi các phân tử mùi có trong chất bã nhờn của người bệnh Parkinson.
P.A.T (NASATI), theo https://www.santemagazine.fr/, 5/2023