Rệp sáp bột hồng (RSBH) hại sắn, một loài sinh vật ngoại lai có hại xâm nhập vào Việt Nam lần đầu tiên ở Tây Ninh tháng 7/2012 tại Huyện Châu Thành, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất sắn ở nước ta. Phú Yên là một trong 10 tỉnh có diện tích trồng sắn lớn nhất nước với diện tích trồng tại tỉnh Phú Yên đạt khoảng 24.586ha, năng suất sắn củ khoảng 210tạ/ha, cây sắn thực sự là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình tại Phú Yên. Tháng 9/2014, lần đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện và gây hại của RSBH trên địa bàn tỉnh Phú Yên tại xã An Hải huyện Tuy An với diện tích khoảng 40 ha… Những năm sau đó RSBH liên tục phát sinh, gây hại và phát tán gây hại rộng ở hầu hết các huyện trong tỉnh với diện tích bị hại lên đến 370 ha năm 2015 và tỷ lệ hại từ 10- 90% tại 7 huyện thị.
Nhằm đề xuất một số biện pháp quản lí tổng hợp có hiệu quả, đưa ra qui trình nhân thả loài ong A. lopezi cũng như qui trình phòng trừ tổng hợp loài RSBH, đáp ứng kịp thời yêu cầu bức thiết của sản xuất sắn hiện nay và lâu dài; xác định được quy luật phát sinh, phát triển, tác hại và biện pháp phòng trừ tổng hợp để ngăn chặn sự lây lan, gây hại của rệp sáp bột hồng, góp phần bảo vệ sản xuất sắn tại Phú Yên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Thủy, Viện Bảo vệ thực vật – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đứng đầu đã đề xuất và được giao thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng (Phenacoccus Manihoti Matile- Ferrero) hại sắn tại Phú Yên và các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra những kết luận như sau:
1. Loài RSBH (P. manihoti) là loài gây hại quan trọng nhất trên sắn tại Phú Yên và các tỉnh Duyên Nam Trung Bộ trong 7 loài rệp sáp họ Pseudococcidae (F. virgata, P. marginatus, P. Jackbreardsleyi, Planococcus sp., Phenacoccus solenopsis, Phenococcus sp., P. manihoti). Khi bị RSBH gây hại nặng và sớm, chiều cao cây sắn có thể giảm gần 50% và năng suất giảm trên 50%. Hom giống là con đường lây lan chủ yếu của loài RSBH.
+ Loài RSBH luôn có mặt trên cây sắn từ khi trồng đến khi thu hoạch cả trên hom giống, tùy thời tiết từng năm chúng có thể đạt từ 3 đến 4 đỉnh cao. Chúng phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6. Chúng đạt đỉnh đỉnh cao thứ nhất khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 với mật độ trung bình trên 10 con/ngọn, đỉnh cao thứ 2 và 3 vào khoảng đầu tháng 7 và đầu tháng 8 với mật độ trung bình thấp hơn. Những năm khô hạn nặng, chúng xuất hiện sớm hơn và đỉnh cao thứ nhất có thể đạt giữa đến cuối tháng 4 nhưng mật độ thấp từ 2-3 con/ngọn. Khi vào mùa mưa mật độ chúng giảm nhanh, vào khoảng cuối tháng 10 đến tháng 11 bắt đầu thu hoạch mật độ RSBH đạt rất thấp chỉ khoảng 1- 2con/ngọn. Sự phát sinh gây hại của loài RSBH bị ảnh hưởng nhiều yếu tố như chân đất, giống, canh tác, trồng xen, thiên địch…
+ Loài ong kí sinh A. lopezi là loài chuyên tính và có ảnh hưởng lớn nhất đến phát sinh gây hại của RSBH trong 8 loài thiên địch của RSBH (gồm 6 loài bắt mồi và 2 loài kí sinh). Tỷ lệ RSBH bị kí sinh bởi ong A. lopezi trên đồng ruộng từ trên 5 % (tháng 5) đến gần 40 % (tháng 10). Loài bắt mồi bọ mắt vàng P. ramburi cũng có khả năng trong việc giảm đáng kể mật độ RSBH trên đồng ruộng, chúng ăn cả rệp non và trứng của RSBH, trung bình trong cả giai đoạn ấu trùng chúng có thể ăn gần 100 rệp non RSBH và trung bình 1 ngày tiêu thụ trên 200 trứng RSBH.
2. Đã xác định được một số đặc điểm sinh học cơ bản của loài RSBH trong điều kiện phòng thí nghiệm tại Phú Yên bằng phương pháp nuôi cá thể với thức là lá sắn/búp sắn và cây sắn. Với thức ăn khác nhau thì các chỉ tiêu về thời gian các pha, vòng đời là không khác nhau nhưng sức đẻ trứng là khác nhau. Khi nuôi bằng cây sắn đạt cao hơn rất nhiều so với nuôi bằng lá sắn, chỉ tiêu này tương ứng là 318,1 – 343,67 trứng/cái và 103,75 – 150,2 trứng/cái. Không ghi nhận cá thể đực của RSBH trong quần thể. Tại Phú Yên, trong một năm RSBH có thể hoàn thành 11 – 12 thế hệ, thời gian một thế hệ ngắn nhất là 25 ngày và dài nhất là 39 ngày. Các thế hệ từ tháng 4 đến tháng 6 là có mật độ và khả năng gây hại cao nhất.
+ Chưa phát hiện được RSBH gây hại trên những cây khác ngoài cây sắn trên đồng ruộng. Trong tất cả 30 loài cây cỏ, cũng như cây trồng xen trên ruộng sắn như cao su, xoài, mít, ngô, lạc…thu thập được và 2 loài cây thử nghiệm thêm là khoai sọ và cam được thử nghiệm trong điều kiện nhà lưới, chỉ có 6 loài cây là RSBH đã hoàn thành vòng đời như cây cứt lợn, hoa mười giờ, cây rau sam, cây dền dại, cây trái nổ, đặc biệt là xoài một loài cây ăn quả phổ biến.
3. Tất cả các giống sắn trồng phổ biến tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa như KM 94, KM 419… đều bị gây hại bởi RSBH ở cả điều kiện ngoài đồng ruộng 22 cũng như đánh giá trong nhà lưới. Do vậy biện pháp dọn vệ sinh đồng ruộng và xử lí hom giống trước trồng có hiệu quả cao trong phòng trừ RSBH, cũng như làm chậm quá trình xâm nhập và gây hại trên ruộng sắn khoảng 1 tháng so với ruộng đối chứng. Kết hợp với 2 biện pháp trên, biện pháp nhân thả ong A. loperzi kí sinh, cũng mang lại hiệu quả rõ rệt không cần phun thuốc trừ RSBH. Biện pháp thả ong kí sinh A. lopezi, chỉ thả 1 lần duy nhất vào trước đỉnh cao thứ nhất của RSBH tức là vào khoảng giữa đến cuối tháng 5 tại Phú Yên.
– Đối với vùng thuận lợi nước cho việc phun thuốc, một số thuốc sinh học và hóa học có hiệu lực cao trong phòng trừ RSBH là Bitadin WP đạt 76% sau 7 ngày, Sokupi là 67%, Actara 20 Ec đạt trên 90% sau 7 ngày, Khi phối hợp dầu khoáng (0,2%-0,3 %) với việc giảm đi từ 20% đến 40% thuốc hóa học nhưng vẫn cho hiệu qủa cao đối với RSBH.
– Đã xây dựng được Quy trình nhân thả hàng loạt ong A. lopezi để phòng trừ rệp sáp bột hồng bằng phương pháp trồng sắn thủy canh, đơn giản, tiết kiệm và dễ thực hiện, được công nhận cấp cơ sở của Viện Bảo vệ thực vật theo QĐ công nhận số 410/QĐ/BVTV-KH-HTQT ngày 16/6/2010.
Đã xây dựng được Quy trình phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng hại sắn, được công nhận là tiến bộ kỹ thuật theo Quyết định số 1705/QĐ-BVTV-KH của Cục trưởng cục BVTV ngày 28/8/2020. 4/ Xây dựng được 3 mô hình (5 ha/mô hình) tại 3 huyện là Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An trong 2 năm 2019 và 2020, tổng cộng là 30 ha. Trong mô hình cây phát triển tốt, tỷ lệ cây bị nhiễm rệp và mật độ RSBH thấp hơn nhiều so với đối chứng. Trong cả hai năm xây dựng mô hình là năm 2019 và 2020, lãi ở các mô hình đều đạt trên 22%.
Nhóm đề tài kiến nghị cần sớm phổ biến rộng rãi quy trình phòng trừ tổng hợp RSBH thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại Phú Yên, các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ và các vùng có điều kiện tương tự, trong đó nhấn mạnh biện pháp xử lý hom giống, nhân thả ong ký sinh A. lopezi. Triển khai nhân thả ong A. lopezi để phòng trừ RSBH.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18214/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI) vista.gov.vn