Ngày 29/6/2023, tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Sở Công thương Hà Nội phối hợp tổ chức “Diễn đàn công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023”, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế “Công nghệ Năng lượng – Môi trường Hà Nội năm 2023” (ENTECH HANOI 2023).
Tham dự Diễn đàn có ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Mai Dương – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cùng các lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, và hơn 300 tổ chức, cá nhân và các diễn giả.
Trong bối cảnh ngành năng lượng và môi trường đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững, việc ứng dụng các công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống, đồng thời chuyển giao và làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Diễn đàn nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng và môi trường. Thông qua đó, góp phần thúc đẩy Nghị quyết số 55 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Văn Tùng – thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến gắn liền với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yếu cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh và hiện đại. Việc phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, các nguồn năng lượng tái tạo song hành với các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng. Qua đó, góp phần từng bước giải quyết bài toán nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng ở Việt Nam, giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng phân tán tự do, tăng cường bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính, và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích sự phát triển năng lượng tại Việt Nam. Năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TTg về Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ là năng lượng và môi trường.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã trình bày 03 tham luận với những vấn đề lớn nổi bật hiện nay về công nghệ, năng lượng và môi trường như: Chuyển đổi năng lượng; những Công nghệ đến từ Siemens Energy; Công nghệ xử lý Solar panel và Chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản cho dự án chuyển giao công nghệ sang Việt Nam; Giải pháp ZERO4, Kiểm soát vận hành “Rác thải thành năng lượng” và “Xử lý nước thải” được hỗ trợ bởi AI.
Đặc biệt, tại Diễn đàn còn có tọa đàm Chính sách và Chương trình hỗ trợ của Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ Năng lượng và Môi trường của các diễn giả đến từ Trung tâm Khoa học Tư duy, đại diện lãnh đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, lãnh đạo Ngân hàng BIDV, lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO, lãnh đạo Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung. Các chủ đề xoay quanh chính sách khoa học và công nghệ cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng và môi trường; chính sách phát triển năng lượng sạch, năng lượng xanh, chuyển đổi năng lượng; chuyển đổi năng lượng xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là về các định hướng đầu tư và phát triển năng lượng và môi trường của TP. Hà Nội.
Ông Nguyễn Mai Dương – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Một số công nghệ mới, công nghệ tiên tiến cũng như chính sách quốc gia, khu vực, định hướng giải pháp hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường đã được giới thiệu và chia sẻ từ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức và kiến nghị về công nghệ, nhân lực, nguồn vốn, cơ chế chính sách cũng đã được trao đổi sâu sắc, trách nhiệm. Đây sẽ là những thông tin hữu ích cho các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình tham mưu, xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi các cơ chế chính sách về năng lượng môi trường để hướng tới thực hiện hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết số 55 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Diễn đàn công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023 là cơ hội quý để các đơn vị trong các ngành khoa học và công nghệ, công thương, tài nguyên và môi trường nhìn nhận tổng quan, rõ nét về thực trạng các hoạt động liên quan đến ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế “Công nghệ Năng lượng – Môi trường Hà Nội năm 2023” (ENTECH HANOI 2023) đã có khoảng 5.000 lượt khách thăm quan triển lãm và tham dự diễn đàn, 452 lượt tiếp xúc giao dịch thương mại với giá trị ghi nhớ bước đầu lên đến 4,5 triệu USD. Có thể khẳng định kết quả của Diễn đàn là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội tổ chức, nghiên cứu, tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong hoàn thiện các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ năng lượng và môi trường mới từ các tổ chức trong và ngoài nước, rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ với các nước tiên tiến, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch.
Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn