Ngày 28/6/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra bức tranh tổng thể về thực trạng pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay. Từ đó, đưa ra nhiều khuyến nghị và giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới dưới góc độ của các nhà khoa học, nghiên cứu cũng như từ hoạt động thực tiễn.
Tại hội thảo, các chuyên gia nghe các tham luận và cho ý kiến về: Thực trạng khung khổ pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay; Quy định pháp luật về hỗ trợ thủ tục thành lập, gia nhập thị trường của Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Pháp luật về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Pháp luật về hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp; Quy định tiêu chí doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;… Qua thảo luận, các chuyên gia cho rằng, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phổ biến hơn với nhiều hình thức đa dạng, và đang nhận được nhiều kỳ vọng, sự quan tâm trong chính sách phát triển doanh nghiệp. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy… khởi nghiệp sáng tạo” nhằm “phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của. hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm”. Do đó, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cũng như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được quan tâm ngày càng sâu rộng đặc biệt là trong việc tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ mô hình doanh nghiệp này.
Liên quan đến hệ thống pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho biết, có thể chia ra thành các quy định pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo Đề án 844 và các quy định pháp luật chuyên ngành cụ thể có đề cập tới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ ra một số hạn chế trong quy định pháp luật về lĩnh vực này hiện nay, các ý kiến chuyên gia nêu rõ: Hiện chưa có quy định pháp luật dành riêng cho hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau nên thiếu tính hệ thống, khó theo dõi, khó nắm bắt đối với chủ thể được hỗ trợ…
Ngoài ra, quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay hầu như mới chỉ đề cập tới các biện pháp hỗ trợ mà chưa đề cập tới việc triển khai thực thi các quy định này cũng như cách thức xử lý nếu như doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định nhằm nhận hỗ trợ… Các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể liên quan đến hoàn thiện: Quy định pháp luật về hỗ trợ thủ tục thành lập, gia nhập thị trường của Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Quy định tiêu chí doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; pháp luật về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo…