Nhằm xây dựng mô hình thành tạo mỏ đá quý rubi, saphir kiểu liên quan với đá hoa và pegmatit ở khu vực bờ trái Sông Chảy, phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá tiềm năng triển vọng khoáng sản đá quý ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu, Viện khoa học địa chất và khoáng sản, do ThS. Nguyễn Thị Huyền đứng đầu đã đề xuất và được cho phép triển khai thực hiện đề tài: “Xác lập cơ sở khoa học để đánh giá triển vọng rubi, saphir trong các thành tạo đá hoa pegmatit khu vực bờ trái Sông Chảy”. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần định hướng cho công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác và quản lý tài nguyên khoáng sản đá quý khu vực bờ trái Sông Chảy một cách hiệu quả hơn.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả như sau:
– Đã xác định được các biến đổi quặng hóa chứa rubi, saphir (spinel) trong khu vực nghiên cứu thường có dạng ổ, dạng mạch và thấu kính, chiều dày từ vài cm đến vài mét phát triển trùng với các khe nứt, đứt gãy, đới phân phiến trong đá hoa của hệ tầng An Phú, tạo thành dải kéo dài theo phương Tây Bắc Đông Nam, song song với đứt gãy Sông Chảy.
– Trong đới biến đổi thường gặp tổ hợp các khoáng vật bán quý spinel, clinohumit, pargasit và muscovit, phlogopit, pyrit, graphit, fosterit… Spinel cũng thường xuất hiện trong các đới biến đổi, tuy nhiên, chưa phát hiện thấy spinel tồn tại cộng sinh với rubi, saphir trong đá hoa. Rubi, saphir trong đá hoa thường dạng tinh thể lăng trụ, chóp cụt, phân bố dạng đơn tinh thể hoặc tập hợp đám với kích thước phổ biến từ mm đến vài cm đôi khi trên chục cm. Chưa phát hiện thấy rubi, saphir trong pegmatit gốc.
– Đá hoa trong khu vực nghiên cứu cơ bản chia thành 3 kiểu sau:
Đá hoa calcit chứa rubi, saphir chứa tổ hợp cộng sinh khoáng vật cộng sinh sau: Calcit + corindon (rubi, saphir) + phlogopit ± margarit ± muscovit ± amphibol (pargasit) ± graphit ± pyrit.
Đá hoa calcit – dolomit chứa spinel gồm các tổ hợp khoáng vật cộng sinh sau: Calcit ± dolomit + spinel ± forsterit ± pargasit ± clinohumit ± graphit ± phlogopit ± margarit ± muscovit ± pyrit.
Đá hoa calcit, calcit – dolomit không chứa đá quý (rubi, saphir, spinel).
Trong các đá này hầu như chỉ có calcit hoặc rất ít dolomit, ngoài ra không chứa hoặc chứa rất ít các khoáng vật như phlogopit, muscovit hoặc graphit, với tổ hợp khoáng vật: Calcit (100%); Calcit ± dolomit; Calcit ± dolomit ± phlogopit ± muscovit ± graphit.
– Điều kiện nhiệt độ áp suất thành tạo: đá hoa chứa rubi, saphir, spinel trong khu vực nghiên cứu được thành tạo trong khoảng nhiệt độ 550 – 750oC, áp suất khoảng 5,5 kbar.
– Về nguồn gốc thành tạo: Rubi, saphir trong đá hoa khu vực Lục Yên – bờ trái Sông Chảy chủ yếu có nguồn gốc thành tạo do biến chất. Kiểu nguồn gốc pegmatit không đặc trưng với những biểu hiện quá mờ nhạt, không gặp kiểu nguồn gốc magma.
– Giai đoạn thành tạo: Giai đoạn thành tạo rubi, saphir trong khu vực nghiên cứu trong khoảng 30-33tr.năm liên quan tới quá trình dịch trượt dọc đứt gãy Sông Hồng và Sông Chảy diễn ra trong Kainozoi từ 17-40tr.năm.
– Về cơ chế thành tạo: Hoạt động siết trượt dọc theo đứt gãy Sông Hồng và Sông Chảy trong giai đoạn Kainozoi (17- 40tr.năm) gây nóng chảy cục bộ tạo các dòng fluid kèm theo quá trình trao đổi chất và khử silic của các đá carbonat, trong quá trình đó nguyên tố Al được làm giàu kết tinh tạo thành corindon cùng với các khoáng vật đi kèm.
– Về sản phẩm của đề tài: (i) Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài; (ii) Sơ đồ địa chất đá quý rubi, saphir và đá quý đi cùng khu vực bờ trái Sông Chảy, tỷ lệ 1/50.000 và (iii) Sơ đồ dự báo triển vọng đá quý rubi, saphir và đá quý đi cùng khu vực bờ trái Sông Chảy, tỷ lệ 1/50.000.
Như vậy, lần đầu tiên mô hình thành tạo mỏ đá quý rubi, saphir kiểu liên quan với đá hoa và pegmatit được xây dựng trong khu vực Lục Yên – Yên Bái (bờ trái Sông Chảy), Việt Nam. Cơ bản đã chia ra ba nhóm đá hoa trong vùng nghiên cứu, gồm: Đá hoa calcit chứa rubi, saphir; Đá hoa calcit – dolomit chứa spinel và đá hoa không chứa đá quý. Nhóm đề tài đã khoanh định một cách tương đối được diện tích phân bố đá hoa có tiềm năng, triển vọng chứa đá quý rubi, saphir, spinel và mhận định pegmatit trong khu vực nghiên cứu có tiềm năng về đá quý iii rubi, saphir rất thấp.
Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học để lập quy hoạch điều tra, thăm dò khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trong tình hình mới. Tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trong việc quản lý khoáng sản và định hướng phát triển ngành nghề liên quan đến khoáng sản đá quý. Tạo lập cơ sở dữ liệu cho công tác nghiên cứu, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học nâng cao trình độ chuyên môn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18318/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI) vista.gov.vn