Hoạt động sản xuất dệt may thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Những năm gần đây, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp dệt may đã đầu tư tiến hành các hoạt động đổi mới công nghệ. Đi đôi với việc mở rộng quy mô sản xuất là sự gia tăng về chủng loại mặt hàng và chất lượng các sản phẩm.
Trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dệt may với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, yêu cầu các sản phẩm mới, người tiêu dùng luôn mong muốn các sản phẩm khăn có những đặc tính sử dụng mới. Vấn đề và thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp sản xuất khăn là các giải pháp để nâng cao chất lượng đối với sản phẩm khăn mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, cạnh tranh về giá cả. Một trong những giải pháp đó là sử dụng nguyên liệu sợi siro bông, có tính năng nổi trội, thân thiện môi trường.
Công nghệ kéo sợi siro là công nghệ mà có thể được trang bị thêm những bộ phận mới cho máy sợi con hiện có để tạo ra sợi dệt thoi hoặc dệt kim có hai dòng xơ. Tạo ra sợi siro từ hai dải sợi thô được kéo dài, cách nhau khoảng 14 mm mỗi bên trong khu kéo dài, điều đó cho phép kết hợp trong vùng xe săn chỉ nằm ở dưới suốt kéo dài trước. Để tránh kéo sợi dòng xơ đơn, mỗi sợi Siro đi qua cơ cấu tách gắn trên cầu. Bởi vì sợi siro không yêu cầu cần phải qua thêm đậu hoặc xe, mối nối trên sợi này đủ bền và bền ma sát để tiếp tục tồn tại trong quá trình dệt vải. Kết quả là sợi siro có độ bền cao (so với sợi đơn), tăng độ mịn, độ xù lông thấp, hình mặt cắt ngang tròn hơn và giá thành giảm (so với sợi xe).
Từ những ưu điểm trên ngày nay trên thế giới sợi siro thường được dùng để sản xuất các sản phẩm sử dụng vải dệt thoi (quần denim, áo sơmi…) và các sản phẩm sử dụng vải dệt kim (áo T. shirts, polo shirts…). Đặc biệt là sản xuất mặt hàng khăn bông.
Các mặt hàng khăn được sản xuất hiện nay tại các công ty trong nước chủ yếu là các mặt hàng dùng từ nguyên liệu sợi bông, sợi tre… với phương pháp kéo sợi truyền thống. Nếu dùng sợi đơn thì độ bền của sợi thấp, nếu dùng sợi xe thì giá thành cao và khăn không mềm mại.
Việc lựa chọn sợi siro thay thế sợi xe làm sợi nổi vòng để sản xuất khăn là cần thiết vì nó tạo được sản phẩm có độ mềm mại cao và giảm giá thành so với khăn dùng sợi xe bông nổi vòng.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Công ty Cổ phần – Viện Nghiên cứu Dệt May cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Nguyễn Văn Huỳnh thực hiện “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất khăn từ sợi siro bông nổi vòng” với mục tiêu: Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất khăn từ sợi siro bông nổi vòng nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam; Tạo ra sản phẩm khăn từ sợi siro bông nổi vòng có độ mềm mại cao, giá thành giảm so với khăn dùng sợi xe bông nổi vòng.
Xơ bông nằm xung quanh hạt cây bông. Những xơ bông này được chuyển thành sợi và dùng để dệt thành vải, khăn. Sợi bông là loại sợi thiên nhiên và khi so sánh với các loại sợi nhân tạo thì chúng có khả năng hút/thấm nước rất cao. Tuy nhiên các khăn từ sợi bông sau khi thấm nước thì khô rất chậm. Ngoài ra sợi bông còn có khuynh hướng dính bẩn và dính dầu mỡ, dù vậy có thể giặt sạch được sau đó. Sợi bông có tiếng là thân thiện với da người (không làm ngứa) và không tạo ra các nguy cơ bị dị ứng việc khiến cho sợi bông trở thành nguyên liệu quan trọng trong ngành dệt may. Sợi bông không hòa tan trong nước, khi ẩm hoặc ướt sẽ dẻo dai hơn khi khô. Sợi bông bền đối với chất kềm, nhưng không bền đối với axit và có thể bị vi sinh vật phân hủy.
Hiện nay các doanh nghiệp kéo sợi trên thế giới đã ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến trong ngành sợi, thiết bị tự động hóa, tự động đổ sợi, vận chuyển ống sợi thô tự động sang máy sợi con, tự động đổ sợi con, tự động vận chuyển ống sợi con sang máy đánh ống sợi, tự động đổ búp sợi đầy trên máy đánh ống sợi đã giảm được số lượng công nhân đứng máy, nâng cao chất lượng sợi, bên cạnh đó còn làm giảm được yếu tố chủ quan do con người can thiệp vào máy móc thiết bị. Sử dụng thiết bị thí nghiệm để kiểm tra kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, từ đó có phương án pha trộn nguyên liệu khoa học hợp lý mang lại hiệu quả cao; theo dõi kiểm soát chất lượng các bán chế phẩm chặt chẽ, có phương án điều chỉnh thông số công nghệ thiết bị kịp thời đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của khách hàng. Nghiên cứu phát triển, chế thử tạo ra các mặt hàng có giá trị cao như sợi chi số cao, sợi 10 compact, sợi siro, sợi slub, sợi có lõi đàn tính cao, sản xuất các loại sợi từ xơ tái chế như polyeste góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Sử dụng nguyên liệu mới như xơ modal, viloft, sữa đậu nành, bắp, tre,… tạo ra sản phẩm khác biệt có giá trị cao, mở ra thị trường mới hấp dẫn, hướng tới phát triển ổn định và bền vững.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
– Nghiên cứu tổng quan về tình hình sản xuất khăn từ sợi bông, sợi vitxco và các ứng dụng;
– Nghiên cứu tính chất cơ lý sợi, phạm vi ứng dụng, lựa chọn mặt hàng khăn phù hợp từ sợi siro bông nổi vòng;
– Nghiên cứu, thiết kế khăn và xây dựng quy trình công nghệ mắc, dệt khăn từ sợi siro bông nổi vòng;
– Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nhuộm và hoàn tất khăn từ sợi siro bông nổi vòng;
– Sản xuất thực nghiệm khăn từ sợi siro bông nổi vòng;
– Kiểm tra, phân tích đánh giá các chỉ tiêu chất lượng chung, đặc biệt là chỉ tiêu về độ mềm mại và giá thành sản phẩm khăn từ sợi siro bông nổi vòng;
Các nội dung đã thực hiện của đề tài vừa là những thông tin tham khảo bổ ích về tổng quan tình hình sản xuất khăn trong và ngoài nước từ sợi bông, sợi vitxco và các ứng dụng, về quy trình công nghệ sản xuất khăn từ sợi siro bông nổi vòng, đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về quy trình công nghệ sản xuất khăn từ sợi siro bông nổi vòng áp dụng trên quy mô công nghiệp. Các doanh nghiệp dệt nhuộm và hoàn tất trong nước hoàn toàn có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ cho phù hợp với điều kiện thực tế của mình để triển khai sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới đạt được chất lượng cao với giá thành phù hợp.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18565/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI) vista.gov.vn