Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định số 1742/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 phê duyệt Đề án ưu tiên “Đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030” (Đề án). Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Mục tiêu chung của Đề án nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể áp dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực:
– Chọn tạo giống vật nuôi chủ lực công nghệ cao đáp ứng được 95% nhu cầu giống lợn, 85 – 90% nhu cầu giống gia cầm, 100% nhu cầu giống thủy cầm, 70% giống bò thịt.
– Dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi: Chuyển giao công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, đáp ứng khoảng 20- 35% nhu cầu; Khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm công – nông nghiệp – thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.
– Chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi: Chuyển giao công nghệ sản xuất trang thiết bị chuồng trại đáp ứng 80% nhu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững;
– Chế biến các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ: Chuyển giao công nghệ đảm bảo 50-55% cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp và 90% cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến vào năm 2030, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Nhiệm vụ và giải pháp mà Đề án đặt ra là:
– Nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường năng lực nghiên cứu cho một số cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ cao lĩnh vực chăn nuôi theo hướng chuyên sâu, hiện đại, đồng bộ ngang tầm trình độ trong khu vực và quốc tế. Ưu tiên đầu tư nâng cấp một số cơ sở nghiên cứu tại 3 vùng Bắc – Trung – Nam để khảo kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi. Đầu tư nâng cấp một số phòng Thí nghiệm ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực chăn nuôi ngang tầm khu vực. Phát huy tối đa nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân và nguồn vốn nước ngoài cho đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ lĩnh vực chăn nuôi.
– Nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực bằng công nghệ cao để chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống vật nuôi trong nước; Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo giống vật nuôi; Nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên chọn lọc đàn hạt nhân để nâng cao chất lượng hệ thống giống; Phục tráng và phát triển một số giống vật nuôi bản địa có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng phương pháp chọn lọc tiên tiến kết hợp với điều kiện chăn nuôi bằng công nghệ cao để chọn tạo các bộ giống gia cầm bản địa đủ sức cạnh tranh với các giống gia cầm nhập nội; Đẩy nhanh tốc độ cải thiện di truyền, tăng năng suất, chất lượng, sức khỏe vật nuôi, bảo vệ nguồn giống vật nuôi có nguy cơ tuyệt chủng, cũng như nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
– Nghiên cứu công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm công – nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường; Nghiên cứu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi. Các nguồn đạm thay thế cho sản xuất thức ăn chăn nuôi; Nghiên cứu xây dựng khẩu phần ăn; chế biến phụ phẩm công – nông nghiệp và thủy sản làm thức ăn và sản xuất thức ăn mới; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tạo sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao; nâng cao chất lượng sản phẩm.
– Nghiên cứu công nghệ chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững; Nghiên cứu ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, ưu tiên công nghệ cao xây dựng tiểu khí hậu chuồng nuôi nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao để xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học.
– Nghiên cứu công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu; Nghiên cứu công nghệ mới trong chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ động vật trên cạn như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm phụ sau giết mổ nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; Nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm chăn nuôi. Cải tiến nâng cao chất lượng các sản phẩm chăn nuôi truyền thống; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất quản lý, truy suất nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Danh mục nhiệm vụ, dự án ưu tiên của Đề án gồm:
– Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho một số cơ sở nghiên cứu lĩnh vực chăn nuôi.
– Nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao đáp ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
– Nghiên cứu công nghệ sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm công – nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.
– Nghiên cứu chọn tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm vi sinh, vật liệu độn chuồng trong chăn nuôi.
– Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giết mổ, chế biến và phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Tổ chức thực hiện
Đề án nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về tính khả thi, hiệu quả của Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nội dung của Đề án với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan không để xảy ra trùng lặp, chồng chéo với các Đề án, Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, tổ chức đã và đang triển khai thực hiện. Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, giai đoạn 2023 – 2025, giai đoạn 2026 – 2030 và toàn bộ Đề án. Căn cứ kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Đề án và các dự án ưu tiên theo từng thời kỳ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Xem xét lựa chọn doanh nghiệp chăn nuôi để hỗ trợ chuyên môn, kĩ thuật trong nghiên cứu phát triển các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, bổ sung các chính sách có liên quan để làm nguồn lực triển khai Đề án, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật quốc gia, ưu tiên cho việc xây dựng các chính sách mang tính đặc thù ngành chăn nuôi, đầu tư ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp…
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng nghiên cứu phát triển, triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Đề án; tăng cường hỗ trợ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bí quyết và giải pháp công nghệ, thúc đẩy phát triển thương hiệu các sản phẩm chăn nuôi chủ lực; triển khai truy suất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi; nghiên cứu phát triển các giải pháp kĩ thuật đảm bảo khả năng tương tác kết nối dữ liệu truy suất.
Ngoài ra, trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân khác cũng được xác định rõ trong việc thực hiện Đề án.
P.A.T (tổng hợp)