Một không gian hỗ trợ công nghệ cho các startup mới thành lập gần đây tại TP. Hồ Chí Minh.
(Theo Người đồng hành – NDH.VN) Dù phong trào startup đang rầm rộ, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư thiên thần chưa mặn mà với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Phó giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định doanh nghiệp khởi nghiệp có thành công hay không chính là việc kêu gọi được vốn đầu tư mạo hiểm. Những đơn vị sẵn sàng rót nguồn tiền này được gọi là “nhà đầu tư thiên thần”. Tuy nhiên, dù phong trào startup đang phát triển mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, dòng vốn đầu tư mạo hiểm này vẫn chưa mấy mặn mà. “Vai trò của nhà đầu tư thiên thần” thường rất quan trọng trong giai đoạn thai nghén khởi nghiệp. Tuy nhiên, họ không hào hứng đầu tư vào các ý tưởng khởi nghiệp mạo hiểm vì chưa có những chính sách hỗ trợ để bảo đảm việc đầu tư vào khởi nghiệp là có lợi”, ông Nguyễn Kỳ Phùng đưa nhận xét tại hội thảo về xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ khu vực phía Nam diễn ra mới đây.
Còn theo ông Võ Việt Anh – Nhà sáng lập Dropdeck, một nền tảng kết nối startup với nhà đầu tư thì nguyên nhân chính là chất lượng. Các dự án startup tại Việt Nam nhìn chung chưa hấp dẫn các “cá mập”, một cách gọi chỉ các nhà đầu tư đi săn các dự án khởi nghiệp có triển vọng. “Ở nước ngoài, các startup chất lượng tốt nhiều quá nên nhà đầu tư cũng khó chọn. Còn cái khó ở Việt Nam là do chất lượng còn thấp, nhiều dự án có trình độ chưa cao, năng lực còn yếu”, ông Việt Anh nhận xét.
Trước thực tế này, để không hoàn toàn trông chờ quá nhiều vào các “nhà đầu tư thiên thần”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HàngViệt Nam chất lượng cao cho rằng, Việt Nam nên áp dụng mô hình các doanh nghiệp nội địa lớn, đang thành danh trên thị trường hỗ trợ những người khởi nghiệp. “Đó không phải là quy tắc đạo đức hay trách nhiệm xã hội mà đó là lợi ích thật sự của họ. Cách làm của Facebook, Google hay Microsoft là xây dựng những nhóm nghiên cứu trẻ để trở thành những doanh nghiệp vệ tinh của họ. Họ đầu tư vào những doanh nghiệp này rồi mua lại khi doanh nghiệp đã trưởng thành trong thị trường. Tôi nghĩ đây là cách làm đã có công thức sẵn. Việc của chúng ta là làm sao tiêu chí hóa công thức này để xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp”, bà Hạnh đề xuất.
Hai năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã có bước phát triển khá nhanh. Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh cho biết đã hỗ trợ kết nối 640 dự án khởi nghiệp để giúp phát triển ý tưởng kinh doanh, đánh giá sản phẩm khởi nghiệp cho 1.523 cá nhân và nhóm cá nhân, kết nối 3.200 cá nhân và nhóm cá nhân khởi nghiệp với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn.
Hiện hệ sinh thái khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh đang có khoảng 15 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 20 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Để thực hiện mục tiêu trở thành thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hiện đang có 4 chương trình về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được triển khai.