Mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan; Các thủ tục hành chính đã được đơn giản, thuận tiện, rõ ràng hơn tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trên thị trường KH&CN. Tuy nhiên, việc giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong phát triển thị trường KH&CN trong cơ chế thị trường vẫn còn gặp không ít khó khăn, cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này.
Xác định mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường KH&CN
Thị trường hàng hóa KH&CN là thị trường có nhiều đặc điểm riêng, mang tính chất đặc thù hơn những loại hình thị trường thông thường khác bởi những đặc điểm sau:
Thứ nhất, hàng hóa được trao đổi trên thị trường KH&CN như các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích… là loại hàng hóa đặc biệt mang tính chất của hàng hóa công cộng phi cạnh tranh và tạo sự bất lợi phi loại trừ. Đặc điểm này đã tác động rất lớn đến thị trường, trong việc cung cấp hàng hóa KH&CN, do sự sao chép, đánh cắp bản quyền đối với sản phẩm KH&CN.
Thứ hai, thị trường KH&CN muốn vận hành thông suốt cần có hành lang pháp lý và thực thi có hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ khi nào có quyền sở hữu trí tuệ, các chủ thể trên thị trường KH&CN, đặc biệt là chủ thể thuộc khu vực tư nhân mới có cơ sở để bán được hàng hóa KH&CN, thu được lợi nhuận.
Thứ ba, việc phát triển thị KH&CN sẽ đem lại hiệu ứng ngoại lai tích cực cho nền kinh tế và có tác động lan tỏa lớn đối với xã hội. Việc sử dụng hàng hóa KH&CN không chỉ tạo ra lợi ích cho các chủ thể trên thị trường mà còn tạo ra lợi ích cho nền kinh tế và xã hội nói chung thông qua việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động chung cho xã hội, tạo việc làm và duy trì tốc độ tăng trưởng.
Thứ tư, thông tin trên thị trường KH&CN thường không đầy đủ. Gây khó khăn khi định lượng, rủi ro của hàng hóa và các giao dịch trên thị trường KH&CN. Cũng chính do thông tin không đầy đủ và bất cân xứng thường làm phát sinh chi phí giao dịch cao.
Với những đặc điểm trên, thị trường hàng hóa KH&CN là thị trường đặc biệt, đòi hỏi sự can thiệp của Nhà nước. Tại Việt Nam, đến nay, thị trường KH&CN ở Việt Nam vẫn là thị trường ở trình độ thấp, vận hành chưa thông suốt, chưa phát triển đồng bộ và đầy đủ. Điều này được thể hiện ở các nội dung như: Số lượng, giá trị hàng hóa được trao đổi trên thị trường thấp; Số lượng các chủ thể trên thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) KH&CN còn ít; Năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới…
Xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong phát triển thị trường khoa học, công nghệ
Nguyên tắc giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong phát triển thị trường KH&CN
Để giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, trước hết cần phân định rõ chức năng hoạt động kinh tế với chức năng quản lý, điều tiết thị trường của Nhà nước. Trên cơ sở nguyên tắc này, quan điểm giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam được biểu hiện cụ thể như sau:
Một là, quá trình phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam là quá trình phát triển nhanh, bền vững.Sự phát triển rút ngắn thị trường KH&CN ở Việt Nam không đồng nghĩa với việc chủ quan, vội vàng mà cần có những bước đi, biện pháp phù hợp với từng mục tiêu trong từng giai đoạn phát triển.
Hai là, phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam là sự phát triển toàn diện, đồng bộ cả về số lượng, chất lượng và các yếu tố cấu thành.
Ba là, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam phải linh hoạt theo từng giai đoạn, có lộ trình và mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bốn là, phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển chung của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phạm vi, mức độ can thiệp của Nhà nước đối với thị trường KH&CN
Thị trường KH&CN ở Việt Nam muốn phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt, phạm vi, mức độ can thiệp của Nhà nước đối với thị trường KH&CN đảm bảo 3 nội dung sau:
Thứ nhất, Nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo, xây dựng nền tảng, môi trường thuận lợi.
– Nhà nước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hợp đồng công nghệ… để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, minh bạch, hiệu lực cao cho thị trường này phát triển.
– Xây dựng và lập quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam trong từng giai đoạn, lồng ghép với quy hoạch phát triển các yếu tố cấu thành thị trường, đảm bảo sự phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt.
– Hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các chủ thể trên thị trường; Xóa bỏ các đặc quyền, đặc lợi để cho DN chú trọng vào đầu tư đổi mới công nghệ; Tránh việc phải dành nguồn lực vào việc xử lý những thách thức trong môi trường kinh doanh.
– Đảm bảo hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại cho thị trường KH&CN ở Việt Nam phát triển như: Hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống văn phòng, trung tâm giao dịch…; Tổ chức cung ứng tốt, hiệu quả các loại dịch vụ công trên thị trường như dịch vụ cấp bằng sở hữu trí tuệ, dịch vụ thông tin thị trường, dịch vụ thẩm định công nghệ…
Thứ hai, Nhà nước can thiệp trực tiếp thông qua các công cụ, chính sách.
– Nhà nước tác động và can thiệp trực tiếp vào sự hình thành và phát triển các chủ thể, yếu tố có vai trò, chức năng quan trọng, hoặc những nội dung mà thị trường thất bại, không thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư. Các hình thức tác động và can thiệp của Nhà nước là đầu tư vốn, nhân lực, cơ sở vật chất hoặc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho yếu tố đó hình thành và phát triển.
– Nhà nước trực tiếp đầu tư từ ngân sách nhà nước vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, lĩnh vực nghiên cứu phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội hoặc những lĩnh vực công nghệ chứa đựng nhiều rủi ro. Nhà nước cũng trực tiếp đầu tư vào vốn nhân lực chất lượng cao, vào các hoạt động tạo ra nhiều tri thức. Đối với những công nghệ ứng dụng, công nghệ gắn với thị trường, dễ được thương mại hóa thì Nhà nước nên để cho khu vực tư nhân tham gia hoặc Nhà nước tham gia theo hình thức liên kết, hợp tác với khu vực tư nhân.
– Nhà nước trực tiếp thành lập, quản lý một số chủ thể, tổ chức có vai trò quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam như: Tập trung xây dựng một số tổ chức KH&CN trọng điểm, đạt chuẩn quốc tế, làm đầu tàu trong việc hội nhập quốc tế; Đầu tư, phát triển một số tổ chức trung gian, môi giới gắn kết cung – cầu trên thị trường…
Thứ ba, đổi mới cơ chế, cách thức can thiệp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước theo các hướng sau:
Một là, đổi mới cơ chế đầu tư, cấp phát ngân sách nhà nước cho KH&CN. Việc đổi mới cơ chế này theo hướng: (i) Thực hiện việc phân bổ và cấp kinh phí ngân sách nhà nước theo cơ chế khoán, cơ chế đấu thầu tuyển chọn và từ nhu cầu thực tiễn; (ii) Thực hiện việc đánh giá và quản lý các dự án KH&CN được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước theo kết quả sản phẩm đầu ra và dành đủ nguồn lực để thực hiện trên cơ sở kinh phí, nhiệm vụ được giao; (iii) Từng bước xóa bỏ bao cấp từ ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động nghiên cứu ứng dụng; (iv) Giao quyền tự chủ cao về tài chính, cơ chế hoạt động, quản lý nhân sự cho các tổ chức KH&CN và khuyến khích các tổ chức này thực hiện cơ chế tự trang trải kinh phí, theo mô hình DN.
Hai là, đẩy mạnh việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang mô hình DN và đổi mới cơ chế quản lý các tổ chức KHCN công lập. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, cần phải giải quyết tốt các vấn đề sau: Xác định rõ quyền sở hữu các văn bằng bảo hộ, sáng chế trong các tổ chức KH&CN công lập khi chuyển đổi; Xác định rõ quyền lợi và đảm bảo những lợi ích cơ bản của các nhà khoa học khi chuyển đổi các tổ chức này; Xác định rõ người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN KH&CN sau khi được chuyển đổi từ tổ chức KH&CN công lập; Hoàn thiện và đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính cho việc chuyển đổi.
Ba là, đổi mới cơ chế quản lý đội ngũ nhân lực KH&CN trong các tổ chức KH&CN công lập. Việc đổi mới cơ chế quản lý đội ngũ này cần phải hướng tới phát huy tính sáng tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Một số giải pháp
Để giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết lý luận, đổi mới tư duy để nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn nữa về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực hoạnh định và thực thi hiệu quả các công cụ, chính sách can thiệp của Nhà nước. Cần tìm hiểu, tiếp thu những những mô hình, kinh nghiệm hay từ thực tiễn phát triển thị trường KH&CN trên thế giới và thường xuyên phân tích, tổng kết mối quan hệ này trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên lấy ý kiến đóng góp, tham gia của các chủ thể trên thị trường KH&CN trong việc xác định vai trò, chức năng của Nhà nước cũng như lấy ý kiến đóng góp, tham gia vào việc xây dựng, thực thi hệ thống pháp luật, chính sách có liên quan đến thị trường KH&CN ở Việt Nam. Việc đóng góp ý kiến được thực hiện thông qua góp ý trực tiếp hoặc là góp ý tại các hội nghị, hội thảo về các chủ đề có liên quan.
Thứ hai, để điều tiết và can thiệp đúng đắn, hiệu quả đối với thị trường KH&CN ở Việt Nam, Nhà nước phải không ngừng hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp.
– Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật liên quan tới thị trường KH&CN đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả. Khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các đơn vị thông qua việc phân công cụ thể quyền hạn cho từng cơ quan, một cơ quan nên chịu trách nhiệm về nhiều loại hoạt động trên thị trường.
– Phân cấp mạnh hơn giữa các bộ/ngành và địa phương trong quản lý thị trường KH&CN theo hướng giao thêm nhiều quyền hơn cho các địa phương với những quy định rõ ràng, cụ thể.
– Tập trung tinh lọc đội ngũ cán bộ, công chức hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trách nhiệm với công việc, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; Có cơ chế giám sát, kiểm soát hiệu quả, xử lý nghiêm minh cán bộ có sai phạm để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lạm dụng quyền lực để trục lợi.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm giải trình của nhà nước, đáp ứng được các yêu cầu phát triển mới của thị trường KH&CN ở Việt Nam.
Các thủ tục hành chính phải đơn giản, thuận tiện, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trên thị trường KH&CN ở Việt Nam; Phát huy dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch, loại bỏ các quyết định hành chính tùy tiện và quan hệ cá nhân trong bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN. Tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước thông qua việc huy động sự tham gia nhiều hơn của các chủ thể, DN trên thị trường vào các hoạt động của Nhà nước cùng với các cơ chế truy cứu trách nhiệm mạnh mẽ.
- Nguyễn Mạnh Hùng – Hội đồng Lý luận Trung ương, TS. Lê Thị Hồng Điệp – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (nguồn: Tạp chí Tài chính)