Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi lễ.
(Theo NASATI) Ngày 24/8/2017, tại Cần Thơ, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp tổ chức khai mạc “Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2017”.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công thương), trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ từ năng lượng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo nhờ vào tiến bộ khoa học công nghệ và đà giảm giá nhanh mang lại hiệu quả kinh tế của năng lượng tái tạo. Ở Việt Nam, Chính phủ đã kịp ban hành một số chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới tăng trưởng xanh.
So với cách đây 10 năm thì mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo càng ngày càng rõ nét hơn, tham vọng hơn và chi tiết hơn. Đi kèm theo là những công cụ chính sách. Trong đó, mục tiêu đến 2020 sẽ tập trung các năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Từ 2020-2030 sẽ tăng trưởng vọt lên là 6.000 MW điện gió và 12.000 MW năng lượng điện mặt trời. Sau 2020 sẽ đi vào giai đoạn cất cánh.
Phân tích của các nhà khoa học và diễn giả tham dự cho thấy, việc phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả không chỉ là giải pháp quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn mang lại các cơ hội và lợi ích kinh tế mới; tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng của các quốc gia.
Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2017 tập trung vào các thông điệp chính: Phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng là xu thế tất yếu trên thế giới, thu hút nhiều quốc gia nhanh chóng chuyển dịch theo hướng này. Năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe, tạo cơ hội việc làm và góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiểu đúng về vai trò và giá trị của năng lượng tái tạo để có chính sách phù hợp, kịp thời nhằm phát huy sự sáng tạo, thu hút đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào phát triển thị trường năng lượng tái tạo mang lại lợi ích cho xã hội.
Trong thời gian diễn ra Tuần lễ Năng lượng tái tạo sẽ có các cuộc hội thảo, thuyết trình, bao gồm: Chiến lược, triển vọng phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam; lựa chọn nào cho phát triển năng lượng bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long; hiểu đúng về năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam; các giải pháp năng lượng bền vững hướng tới hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn Việt Nam…
Bên cạnh đó, tại một số tỉnh, thành sẽ diễn ra những hoạt động, sự kiện bên lề như: Diễn đàn Thanh niên và Phát triển bền vững tại Hội An, cuộc thi online tìm hiểu về năng lượng sạch, vẽ tranh đường phố về chủ đề biến đổi khí hậu và năng lượng sạch ở TP Hồ Chí Minh, tập huấn sử dụng năng lượng bền vững cho phụ nữ, nông dân nghèo tại Nghệ An…