Xử lý và cô lập các chất thải hạt nhân trong các kết cấu sâu trong lòng đất đặt ra những nhiệm vụ mang tính thách thức đối với xã hội cũng như lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng của công nghiệp hạt nhân. Một trong những yếu tố then chốt liên quan đến tính an toàn dài hạn của hệ thống lưu trữ chất thải hạt nhân đó là khả năng kéo dài thời gian an toàn của hệ thống mà các tính toán đã chỉ ra có thể lên đến hàng triệu năm do sự tồn tại của một số đồng vị phóng xạ sống dài. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để tiên liệu trước được sự tiến triển của quá trình hóa địa-phóng xạ (radio-geochemical) đối với các hệ thống cô lập chất thải hạt nhân, những kiến thức cơ bản và sáng tỏ về hóa địa và nhiệt động học cần được nghiên cứu. Hơn thế nữa, những kiến thức về quá trình tiến tiến triển ở mức phân tử trong các vật liệu sử dụng trong hệ thống có thể giúp chúng ta cải tiến mức độ tin cậy của các dữ liệu có sẵn về hành vi của các hạt nhân phóng xạ trong địa quyển dựa trên các mô tả logic các hiện tượng đơn giản ở mức phân tử của chúng.
Cơ quan chủ trì Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS-TS. Trần Quốc Dũng cùng thực hiện nghiên cứu đề tài “Hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm về khoa học vật liệu để quản lý chất thải” với mục đích tăng cường khả năng nghiên cứu của nhóm nghiên cứu ưu tiên về “Khoa học vật liệu cho quản lý chất thải phóng xạ, hạt nhân” thông qua các thiết bị được Trung tâm Nghiên cứu Vật lý Wigner – Hungary trao tặng.
Một trong những kết quả quan trọng của quá trình hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Hungary trong chương trình này là phát triển hệ thông phòng thí nghiệm hủy po-si-tron tiên tiến cho nghiên cứu vật liệu ở cả hai nuớc, trong đó đặc biệt là hệ máy gia tốc po-si-tron chậm (Slow positron beam accelerator). Đây là thiết bị đặc biệt (không có sản phẩm thương mại) chỉ được thiết kế và chế tạo từ các phòng thí nghiệm chuyên biệt nhằm nghiên cứu sâu về vật lý và kỹ thuật po-si-tron. Hệ gia tốc po-si-tron chậm luôn là thiết bị cực kỳ quan trọng đối với các nhóm nghiên cứu hàng đầu về vật liệu cấu trúc nano như ở Mỹ, Nhật và Đức. Đã vận chuyển các thiết bị của phòng thí nghiệm po-si-tron do phía Hungary tặng về Việt Nam. Đánh giá các hiện trạng, lắp đặt và chạy thử các thiết bị hệ đo hủy po-si-tron. Đánh giá sơ bộ hệ máy gia tốc po-si-tron chậm.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12366/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)