Vải, nhãn được xếp vào nhóm cây ăn quả chủ lực, có quy mô sản xuất lớn so với các loại cây ăn quả khác trong cả nước. Ở phía Bắc, vải, nhãn là cây ăn quả đặc sản, được trồng thành vùng hàng hóa tập trung ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La, Quảng Ninh. Những năm gần đây, vải, nhãn là loại cây góp phần xoá đói giảm nghèo và từng bước giúp người dân làm giầu; đặc biệt là ở các vùng đồi núi, trung du các tỉnh phía Bắc. Để sản xuất vải, nhãn trở thành hàng hóa, có giá trị kinh tế cao thì cần thiết phải có sự đa dạng về giống, rải vụ thu hoạch, năng suất cao, ổn định và phẩm chất tốt, tuy nhiên, giống chủ yếu hiện nay là giống vải thiều chín chính vụ (khoảng trên 90% so với tổng diện tích vải hiện có). Mặc dù giống có năng suất cao, chất lượng tốt, sản lượng lớn, nhưng thời gian thu hoạch ngắn (chủ yếu tập trung vào tháng 6 dương lịch) nên khó khăn trong bố trí lao động, thời vụ thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, từ đó làm giảm hiệu quả kinh tế của người trồng vải. Về giống nhãn, giống chủ yếu hiện nay là giống chín chính vụ (thu hoạch tập trung vào tháng 8 hàng năm).
Ở phía Bắc, công tác nghiên cứu về giống vải, nhãn từ nhiều năm nay mới chỉ tập trung vào tuyển chọn các dòng/giống tốt trong tự nhiên, việc nghiên cứu tạo giống mới bằng phương pháp lai và đột biến chưa được quan tâm đúng mức.
Vì vậy, việc nghiên cứu chọn tạo các giống vải, nhãn năng suất cao, chất lượng tốt, có thời vụ thu hoạch khác nhau bằng việc kết hợp các phương pháp trên là nhiệm vụ cần thiết góp phần làm phong phú bộ giống tốt cho sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng vải, nhãn.
Nhằm chọn tạo và phát triển được một số giống vải, nhãn năng suất cao, chất lượng tốt có thời gian thu hoạch khác nhau, thích hợp với điều kiện sinh thái ở một số tỉnh phía Bắc, nhóm nghiên cứu do TS Ngô Hồng Bình, Viện Nghiên cứu Rau quả, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống vải, nhãn năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc”.
Qua một thời gian triển khai nghiên cứu (2011 – 2015), nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả nghiên cứu như sau:
- Đã xác định được nhiệt độ thích hợp bảo quản hạt phấn một số giống vải, nhãn thí nghiệm (nhiệt độ 4-8 độ C trong 3-5 ngày) và thời điểm lai thích hợp cho các giống vải khoảng 9 – 11 giờ và 15 – 17 giờ (tỷ lệ đậu quả 8,46%); các giống nhãn 9-11 giờ (tỷ lệ đậu quả 31,80%). Từ đó tạo được 9.587 vật liệu vải, nhãn bằng phương pháp lai hữu tính (vải: 2.617 vật liệu; nhãn: 6.970 vật liệu).
- Bằng phương pháp chiếu xạ đã tạo được 10.846 vật liệu khởi đầu vải, nhãn. Trong đó: 5.042 vật liệu vải (3.303 vật liệu chiếu xạ trên hạt và 1.739 vật liệu chiếu xạ trên chồi); 5.774 vật liệu nhãn (4.063 vật liệu gây đột biến trên hạt và 1.711 vật liệu gây đột biến trên chồi)
- Từ nguồn vật liệu nhãn tạo được, đã chọn lọc được 06 dòng nhãn lai có khả năng sinh trưởng khỏe và có triển vọng về chất lượng quả, độ Brix và tỷ lệ phần ăn được cao (độ Brix 21,18-23,600Bx, tỷ lệ phần ăn được 65,0-68,7%); khối lượng trung bình 13,6 g/quả, mã quả đẹp (khi chín có quả có màu vàng sáng), cùi quả ráo, dễ tách, hương thơm; đó là các dòng số 3,16,18,29,33 và 36 (NL1.38; NL-3.1; NL3.9, NL-5.37, NL6.6 và NL-6.26).
- Đã bước đầu chọn được 12 dòng vải, nhãn đột biến có triển vọng về chất lượng quả. Trong đó 7 dòng vải: 2 dòng của giống U Hồng lá vặn dòng 35 (V-UHLV35.18) và dòng 37 (V-UHLV35.4); 5 dòng đột biến giống Yên Hưng dòng 7 (V-YH30.41), dòng 8 (V-YH30.36), dòng 15 (V-YH30.41), dòng 15 (V-YH35.26) và dòng 35 (V- YH35.34) có khối lượng quả khá lớn (đạt từ 25,33-31,67g/quả), lệ phần ăn được đạt 71,21-81,92%). Và đã chọn được 5 dòng nhãn có triển vọng về chất lượng (PHS35.2; PHS 35.5; PHS35.6; PHS35.13; PHS35.14) có chất lượng tốt (độ 0Bx 21,6-230Bx, tỷ lệ phần ăn được >70,0%).
- Qua điều tra đã thu thập được 10 dòng vải, nhãn ưu tú chín sớm (03 dòng vải và 07 dòng nhãn), các dòng nhãn, vải ưu tú tiếp tục trồng khảo nghiệm tại một số vùng sinh thái. Kết quả đã tuyển chọn được 2 giống vải và 2 giống nhãn:
– Giống vải chín sớm Phúc Hòa: Tại các điểm khảo nghiệm, giống vải Phúc Hòa sinh trưởng khỏe, năng suất cao, ổn định (cây 7 năm tuổi đạt 10,8 – 11,2 tấn/ha, tăng so với đối chứng 120%), quả có khối lượng trung bình đạt 33,5 g/quả, chất lượng tốt độ brix từ 16,5 – 17,9 0Bx. Thời gian thu hoạch khoảng 25/5 (sớm hơn so với giống vải chín chính vụ khoảng 10-15 ngày). Giống vải chín sớm Phúc Hòa đã được Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp và PTNT thông qua và đề nghị Bộ công nhận giống chính thức.
– Giống vải chín sớm PH40: Tại các điểm khảo nghiệm, giống vải chín sớm PH40 sinh trưởng khỏe, khối lượng quả lớn (trung bình 54,86 g/quả), năng suất trung bình 18,5 kg/cây (cây 5 tuổi), cao so với các giống trồng phổ biến tại địa phương khoảng 150-170%. Thời gian thu hoạch khoảng 15/5 (sớm hơn so với giống vải chín chính vụ khoảng 25-30 ngày), mã quả đẹp, chất lượng tốt độ brix đạt 17,5 0Bx, tỷ lệ phần ăn được cao đạt 71,8%. Giống vải chín sớm PH40 đã được Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp và PTNT thông qua và đề nghị Bộ công nhận giống chính thức.
– Giống nhãn chín sớm PHS-2: có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất tại các điểm khảo nghiệm đạt trung bình 39,0 kg/cây (cây 8 tuổi), ổn định qua 3 năm theo dõi (2013-2015). Chất lượng tốt, tỷ lệ cùi cao (66,3-66,6%), độ brix 21,10Bx, Thời gian thu hoạch từ 15 – 25/7 (sớm hơn so với giống đối chứng khoảng 20-25 ngày). Hội đồng KH của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Bộ công nhận giống sản xuất thử.
- Giống nhãn chín muộn HTM2 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt ở cả 3 điểm khảo nghiệm (Hà Nội, Hưng Yên, Sơn La). Khối lượng quả trung bình lớn (đạt 13,15g/quả), sau trồng 8 – 9 năm, năng suất đạt trung bình 39,0 kg/cây, thời gian thu hoạch từ 25/8 – 15/9 (muộn hơn so với giống đối chứng khoảng 20-25 ngày). Giống cho quả có chất lượng tốt, tỷ lệ cùi cao (68,3-68,7%), độ brix đạt 19,30Bx, cùi giòn, ráo nước. Đây là giống chín muộn nhất so với các giống nhãn chín muộn hiện có ở phía Bắc, vì vậy hiệu quả kinh tế cao. Hội đồng KH của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Bộ công nhận giống chính thức.
Nhóm nghiên cứu cũng có kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cho tiếp tục đánh giá các vật liệu khởi đầu, các dòng con lai và đột biến đã tạo được và triển khai dự án sản xuất thử nghiệm đối với giống nhãn chín sớm PHS2 và giống vải chín sớm PH40.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13037-2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)