Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế công Bloomberg Johns Hopkins đã phát hiện ra rằng: mức độ suy giảm chức năng phổi tự nhiên trong thời gian 10 năm ở những người trước đây từng hút thuốc có chế độ ăn nhiều cà chua và hoa quả, đặc biệt là táo diễn ra chậm hơn. Điều này phần nào chứng minh vai trò quan trọng của một số thành phần cụ thể trong những loại thực phẩm này trong việc hỗ trợ cải thiện tổn thương phổi do hút thuốc. Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí European Respiratory.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người trong độ tuổi trưởng thành trung bình tiêu thụ nhiều hơn 2 quả cà chua hoặc ba phần hoa quả tươi mỗi ngày, mức độ suy giảm chức năng thận thấp hơn so với những người ăn ít hơn 1 quả cà chua hoặc ít hơn một phần hoa quả mỗi ngày. Các chuyên gia cũng đã xem xét những nguồn thức ăn và thực phẩm chế biến từ hoa quả và rau củ (ví dụ như sốt cà chua) và họ khẳng định tác dụng bảo vệ chỉ thấy được ở rau quả tươi.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự suy giảm chức năng phổi diễn ra chậm hơn ở những người trưởng thành, bao gồm cả những người đã ngừng hoặc chưa bao giờ hút thuốc hay ăn nhiều cà chua. Chức năng phổi kém là một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh tim, và ung thư phổi, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Vanessa Garcia-Larsen, giáo sư nghiên cứu tại Khoa Y tế quốc tế của trường Bloomberg và là người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết: “Phát hiện mới cho thấy chế độ ăn có thể giúp cải thiện hoạt động chức năng phổi của những người đã ngừng hút thuốc. Bên cạnh đó, chế độ ănchủ yếu là rau củ quả cũng có tác dụng làm chậm lại quá trình lão hóa tự nhiên của phổi kể cả khi không bao giờ hút thuốc. Đồng thời, nghiên cứu cũng ủng hộ những khuyến nghị về chế độ ăn uống, đặc biệt ở những người có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như COPD”.
Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá chế độ ăn và chức năng phổi của hơn 650 người trong độ tuổi trưởng thành trong năm 2002, và lặp lại các thử nghiệm kiểm tra chức năng phổi của nhóm người này sau 10 năm. Những người tham gia thử nghiệm đến từ các nước châu Âu – Đức, Nauy và Anh đã hoàn thành bản điều tra đánh giá chế độ ăn và thông tin dinh dưỡng tổng thể. Nhóm chuyên gia cũng thực hiện phép đo phế dung – phương pháp đo dung tích chứa oxy của phổi.
Thí nghiệm thu về hai thông số tiêu chuẩn của chức năng phổi là: Thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu (FEV1) để đo lượng khí tối đa mà một người có thể thở ra trong 1 giây đầu tiên; và Thể tích khí toàn bộ thở ra gắng sức trong một lần thở (FVC), tổng lượng khí mà một người có thể hít vào trong 6 giây. Nghiên cứu kiểm soát những yếu tố như tuổi tác, chiều cao, giới tính, chỉ số khối cơ thể (chỉ số về hình dáng, chiều cao và cân nặng cơ thể giúp xác định một người bị bệnh béo phì hay bị bệnh suy dinh dưỡng), điều kiện kinh tế – xã hội, hoạt động thể chất và mức năng lượng thu nạp tổng thể.
Với những người từng hút thuốc, mối liên quan giữa chế độ ăn uống và chức năng phổi càng thể hiện rõ ràng hơn. Ở những người đã từng hút thuốc có chế độ ăn nhiều cà chua và hoa quả, mức suy giảm chức năng phổi chậm hơn 80ml trong giai đoạn 10 năm. Điều này cho thấy dinh dưỡng trong chế độ ăn đóng vai trò giúp cải thiện những thương tổn gây ra do ảnh hưởng của hút thuốc.
Garcia-Larsen giải thích: “Ở độ tuổi 30, chức năng phổi bắt đầu suy giảm với tốc độ khác nhau tùy thuộc vào sức khỏe tổng thể và cụ thể từng cá nhân. Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng việc tiêu thụ nhiều hoa quả thường xuyên hơn có thể giúp hạn chế sự suy yếu khi tuổi tăng cao, và thậm chí là cải thiện những tổn hại do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá. Chế độ ăn cũng được xem là một phương pháp để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh COPD vốn đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây trên toàn thế giới”.
P.K.L (NASATI), theo http://baltimore.cbslocal.com/2018/01/02/apples-tomatoes-ex-smokers