Kỹ thuật nhuộm Shibori là một kỹ thuật nhuộm lâu đời và nổi tiếng tại Nhật Bản,có rất nhiều tổ chức, cá nhân ở các nước trên thế giới đã nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nhuộm theo nhiều cách thức và mục đích khác nhau. Đề tài của Viện Mẫu Thời Trang đã nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nhuộm Shibori – Nhật Bản như một chiếc cầu nối để làm thăng hoa, tạo ra những sáng tạo đậm nét bản sắc Việt,cụ thể hóa bằng những chất liệu vải, họa tiết trên vải, và những sản phẩm thời trang nữ như áo, đầm…
Vẫn giữ đúng qui trình nhuộm Shibori chuẩn mực lâu đời về mặt kỹ thuật nhuộm,bên cạnh đó đề tài tập trung phát triển ở 2 mảng sáng tạo và ứng dụng thông qua việc thiết kế và chế thử các họa tiết nhuộm có đi kèm các bộ dụng cụ định hình tạo họa tiết trên chất liệu dựa trên kỹ thuật nhuộm. Song song đó, việc thiết kế chế thử các mẫu mốt thời trang như áo, váy để ứng dụng phương pháp nhuộm Shibori (cụ thể là chất liệu và họa tiết trên vải) sẽ là kết quả không thể thiếu để hiện thực hóa đề tài.
Đề tài “Ứng dụng kỹ thuật nhuộm Shibori Nhật trong thiết kế sản phẩm thời trang nữ” do cơ quản chủ quản Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Vinatex cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Trần Thị Bích Hạnh đã kết hợp hòa quyện đặc tính sáng tạo và đặc tính công nghiệp với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ để xây dựng các phương pháp, dụng cụ thiết bị, qui trình… Tạo nên những sản phẩm độc đáo với độ bền cao. Đặc biệt với các chất liệu vải tự nhiên dệt từ sợi chuối, sợi tre…, thuốc nhuộm chàm Indigo chiết xuất tự nhiên, kỹ thuật nhuộm truyền thống thân thiện với môi trường… Phần nào đã đáp ứng được mong muốn của ngành, của nghề thiết kế thời trang, vì: Khảo sát tình hình hiện nay, vải ngoại tràn ngập thị trường, nhưng nhiều nhà thiết kế Việt nặng lòng với vải mang nét đẹp truyền thống, bản sắc. Họ mong muốn sử dụng khá nhiều chất liệu vải dân tộc để thổi hồn vào các bộ sưu tập của mình. Và trong những năm gần đây, các loại chất liệu thủ công truyền thống, dân tộc… đang trở thành những xu hướng đặc biệt được ưa chuộng trong ngành công nghiệp thời trang quốc tế. Đề tài được xây dựng kịp thời tương thích với những nhu cầu của thời trang hiện nay.
Qua thời gian nghiên cứu đề tài đã ứng dụng kỹ thuật nhuộm Shibori của các tổ chức, cá nhân khác trên thế giới, đề tài của Viện vẫn thừa hưởng qui trình nhuộm đúng chuẩn, nhưng lại hoàn toàn khác biệt ở bước quan trọng và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất, chính là bước định hình họa tiết bằng các kỹ thuật buộc, thắt, gấp, nén… Bằng những nghiên cứu sáng tạo độc đáo mới lạ từ khâu thiết kế tạo hình đến bước kỹ thuật định hình… đã tạo ra những sản phẩm giàu giá trị thủ công truyền thống và mang đậm nét bản sắc Việt Nam.
Điểm đặc biệt Shibori là tạo hình mềm mại với các đường biên mờ. Với Shibori các “Dyer” như đang làm một công việc mang tính hòa hợp với đủ mọi nguyên phụ liệu, không phải trong một nỗ lực để vượt qua những hạn chế từ chúng, nhưng để cho phép chúng thể hiện mình một cách hoàn toàn và tự nhiên. Và, một yếu tố bất ngờ sẽ luôn luôn hiện diện. Tất cả các yếu tố xuất hiện khi thao tác định hình trên vải, các yếu tố xuất hiện bên trong nồi, thau nhuộm… trong quá trình Shibori vượt khỏi sự kiểm soát của con người. Tương tự như là một thợ gốm tạo nên một lò đun, tất cả các điều kiện kỹ thuật đã được đáp ứng, nhưng những gì xảy ra trong lò có thể là một phép lạ hay là một thảm họa.
Cơ hội thành công và cả những rủi ro cũng mang đến những sự sống động cho quá trình Shibori, và điều này là ma thuật đặc biệt của nó và là sự hấp dẫn mạnh nhất. Tuy nhiên đề tài của Viện Mẫu đã tạo ra những thiết kế, dụng cụ, sản phẩm có khả năng ổn định về chất lượng (mỹ thuật, độ bền cơ học), các họa tiết, màu sắc nhuộm, sản phẩm nhuộm… có khả năng lặp lại theo chu kì hoặc biến hóa tự do tùy theo ý đồ thiết kế. Quan trọng hơn, đề tài đã làm chủ được công nghệ ở mức tối đa có thể, có qui trình chuẩn, các tài liệu hình ảnh, video clip để chuyển giao nếu cần. Chất liệu vải luôn là nguồn cảm hứng đầu vào quan trọng đối với ngành công nghiệp dệt may thời trang, do đó Viện Mẫu Thời Trang luôn muốn có thêm nhiều cơ hội để thể nghiệm tạo ra những chất liệu mới, lạ độc đáo… phục vụ cho ngành, cho nghề. Bảo tồn và phát huy các giá trị thủ công và truyền thống cũng là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Viện Mẫu đang theo đuổi. Những đề tài nghiên cứu mang nhiều ý nghĩa và giàu giá trị thực tiễn như vậy là rất cần thiết và phù hợp với chức năng của Viện.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12098/2016) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)