Ở Việt Nam, hoa Lilium đang được xếp vào nhóm hoa cao cấp và đang được tiêu dùng mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây (từ năm 2005-2015). Hiện tại, hoa Lilium đang được trồng rộng rãi ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam (Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Mộc Châu, Sơn La, Sa Pa…), một số tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An…) và một số tỉnh miền Nam (Đà Lạt – Lâm Đồng).

Tuy nhiên, ngành sản xuất hoa Lilium ở nước ta cũng đang gặp phải khó khăn như: chúng ta chưa tự sản xuất được củ giống trong nước mà hầu hết củ giống hoa lily được trồng ở Việt Nam hiện nay đều phải nhập nội từ Hà Lan (ước tính số lượng củ giống hoa lily nhập nội cho sản xuất năm 2015 là vào khoảng 96 triệu củ), công tác nghiên cứu về lai tạo giống hoa lily, nhân giống hoa lily còn ít, chưa thực sự có được những ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.

Xuất phát từ thực trạng trên Viện Nghiên cứu Rau quả đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp với PGS.TS Trịnh Khắc Quang cùng thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến của Hà Lan trong chọn, tạo, nhân giống và điều khiển ra hoa chi Lilium (lily, loa kèn) ở Việt Nam” nhằm ứng dụng những công nghệ về lai tạo giống, nhân giống và sản xuất hoa thương phẩm của Hà Lan vào điều kiện Việt Nam nhằm từng bước làm chủ các công nghệ này. Kết quả sau 3 năm thực hiện (2008 – 2010), Viện đã tuyển chọn được 01 giống hoa lily Belladonna cho sản xuất thử, tạo ra được 04 dòng lai hoa chi Lilium triển vọng là L1, L2, LK4, LK5, xây dựng được quy trình nhân giống hoa lily Belladonna và Manissa bằng phương pháp in vitro và tách vảy củ, giúp giảm giá thành củ giống 20% so với giống nhập nội cùng loại. Với mục tiêu chọn tạo và sản xuất được củ giống góp phần chủ động nguồn giống và phát triển sản xuất hoa chi Lilium ở Việt Nam.

Qua thời gian nghiên cứu, các sản phẩm về giống và quy trình công nghệ của đề tài đã góp phần phát triển ngành sản xuất hoa lily Việt Nam. Với các giống được công nhận sản xuất thử là giống lily Lake Carey (tuyển chọn từ nguồn nhập nội) và giống loa kèn LK5 (do Viện Nghiên cứu Rau quả chọn tạo) đã và đang phát triển ngoài sản xuất đáp ứng được yêu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Quy trình kỹ thuật nhân giống hoa loa kèn bằng in vitro và bằng vảy củ đã được áp dụng trong sản xuất, nhân thành công từ 5000-10.000 củ; quy trình kỹ thuật chăm sóc cho giống loa kèn LK5 đã giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Từ các kết quả trên, đề tài mang lại những lợi ích sau:

– Góp phần nâng cao trình độ khoa học cho cán bộ trực tiếp nghiên cứu, giúp cán bộ nghiên cứu tiếp cận được những kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu chọn, tạo, nhân giống hoa Lilium tại Việt Nam.

– Đóng góp vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về chọn, tạo giống bằng phương pháp lai truyền thống kết với phương pháp có sử dụng công nghệ sinh học (cứu phôi, nuôi cấy mô tế bào), kỹ thuật nhân giống (bằng in vitro, bằng vảy), kỹ thuật canh tác (trồng, chăm sóc, bảo quản củ giống, hoa thương phẩm).

– Mở ra triển vọng mới về việc nghiên cứu, phát triển giống hoa Lilium cho Việt Nam trong tương lai.

– Đóng góp vào lĩnh vực nghiên cứu tự động hóa trong nông nghiệp (điều chỉnh chế độ nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng theo nhu cầu sinh trưởng của cây).

– Góp phần tạo dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu ở những nơi bố trí thí nghiệm và xây dựng mô hình.

Đề tài tập trung nghiên cứu 2 đối tượng cây hoa: lily và loa kèn. Đây là 2 loại hoa mới ở Việt Nam, hiện đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Vì vậy kết quả đề tài (tuyển chọn được giống hoa lily Lake Carey) và lai tạo được giống hoa loa kèn LK5 đẹp, mới, năng suất, chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, làm phong phú bộ giống hoa Lilium hiện tại. Ngoài ra đề tài còn nghiên cứu xây dựng được Quy trình kỹ thuật lai hữu tính áp dụng cho hoa lily ở Việt Nam góp phần chủ động trong việc tạo giống hoa lily mới tại Việt Nam; Quy trình nhân giống hoa loa kèn LK5 bằng in vitro và bằng vảy củ giúp chủ động nguồn cung cấp củ giống mới trong sản xuất giống hoa loa kèn tại Việt Nam.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12504/2015) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)