(Theo TapchiTaichinh.vn) – Làm thế nào để Nhà nước và doanh nghiệp hợp tác với nhau cùng khai thác được những lợi ích tiềm tàng của internet vạn vật (IoT) trong khi vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại mà công nghệ mới sớm muộn gì cũng gây ra là vấn đề này được đặt ra tại Hội thảo Internet vạn vật: Từ truyền thông đến hiện thực vừa diễn ra tại Hà Nội.
Dữ liệu – nguồn lực quan trọng
Các chuyên gia chỉ ra rằng, Internet vạn vật (IoT) chính là nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đã len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống từ giao thông, nông nghiệp, năng lượng cho đến an ninh… IoT giúp cho cuộc chơi trở nên công bằng hơn không chỉ đối với các doanh nghiệp mà đối với cả các quốc gia.
Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Thắng nhận định, trong IoT, dữ liệu là nguồn lực quan trọng hơn cả tài nguyên khoáng sản hay đất đai. Để dẫn chứng cho điều này, ông Thắng đã chỉ ra rằng sự thành công của các tập đoàn lớn như Amazon, Tencent, Alibaba đến từ những nguồn tài nguyên dữ liệu mà các tập đoàn nắm giữ.
Cũng theo chuyên gia, dữ liệu không chỉ dùng cho thương mại điện tử mà còn để lại những dấu vết số giúp nhận dạng doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư khi cân nhắc thường xem xét đến việc tập đoàn vốn hóa cao hơn phụ thuộc dữ liệu họ nắm giữ mà không cần cân nhắc đến lợi nhuận.
Trong thông điệp mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho năm 2018, Chính phủ sẽ xây dựng một chính phủ kiến tạo qua đó tạo điều kiện để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển. Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Xuân Đích đánh giá, đây là một quyết định hoàn toàn phù hợp với xu thế và thời đại công nghệ nói chung, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng, đó là tiền đề cho việc nghiên cứu ứng dụng IoT ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Theo báo cáo gần đây của World Economy Forum, Việt thuộc nhóm nước đang phát triển và chưa được hưởng lợi nhiều từ cuộc cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Đích tin tưởng rằng đây là cơ hội để nước ta vươn lên nâng cao tính cạnh tranh so với quốc tế.
Bằng các chính sách đúng đắn, Việt đã từng bước áp dụng IoT vào thực tế và bước đầu có những thành quả đáng ghi nhận trong các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh… Tuy nhiên, ông Đích cũng cho biết để đưa Việt Nam thành nước phát triển, thu hẹp khoảng cách với các nước bằng ứng dụng IoT thì còn nhiều việc cần phải làm.
Chính phủ và doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức
Theo Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Đào Đình Khả, Việt Nam hiện nay đã tiếp cận được công nghệ mới IoT. Tuy nhiên để có thể thẩm thấu và làm chủ được công nghệ đóng góp cho sự phát triển của đất nước thì trước tiên cả Chính phủ và doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức.
Đối với doanh nghiệp, khi liên quan đến nền kinh tế số, có khả năng cao là bản thân doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh. Ông Khả ví việc thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp như rắn lột xác để trở thành một con rắn lớn hơn nhưng cũng có thể chưa kịp làm thì đã phải cạnh tranh và rơi vào tình trạng hoạt động không hiệu quả, do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải dám đầu tư và chấp nhận kết quả.
Còn về phía Chính phủ, cũng phải nhận thức đúng, từ đó, đưa ra những quyết định phù hợp để hỗ trợ phát triển cho ngành công nghệ mới này. Vấn đề quan trọng là Chính phủ phải bảo đảm cả hạ tầng và pháp lý để doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển nhanh chóng và kịp lớn mạnh trước khi bị cạnh tranh đến mức khốc liệt.
Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo Nguyễn Thắng cho rằng, thay vì cho doanh nghiệp tiền để đầu tư thì Nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp và tạo hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, hiện có 2 thách thức lớn đang đặt ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ nhất là cuộc chạy đua giữa công nghệ và thể chế. Chính phủ cần tạo điều kiện để mở đường cho công nghệ vào chứ không nên chờ đợi việc xây dựng xong thể chế để tránh dẫn đến tranh chấp mà điển hình là câu chuyện của Uber, Grab thời gian qua.
Thách thức thứ hai là cuộc chạy đua giữa công nghệ và kỹ năng. Nếu công nghệ phát triển quá nhanh trong khi trình độ, kỹ năng của người sử dụng không thể đáp ứng kịp sẽ dẫn đến việc nhiều lao động mất đi việc làm và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Còn nếu kỹ năng của người sử dụng được nâng cao tuy nhiên lại không có máy móc, công nghệ hiện đại để áp dụng thì sẽ gây ra tình trạng lãng phí. Vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành cần có những chính sách để phát triển hài hòa giữa công nghệ và kỹ năng.
Các chuyên gia đánh giá, trong 20 năm tới, khi ngành khoa học dữ liệu bùng nổ, nhu cầu phân tích dữ liệu để tối ưu hóa được hoạt động thông tin số cũng sẽ đòi hỏi rất nhiều nguồn nhân lực. Do đó, Việt Nam rất có lợi thế và đây là cơ hội lớn nếu biết nắm bắt. Các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ thay vì đầu tư dàn trải thì nên chọn những ngành ưu thế để thúc đẩy phát triển.