Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên chất vấn.
(Theo Khoa học & Phát triển) Trong phần phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, chiều 19/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn nhiều con số minh chứng KH&CN đang có những bước tiến đáng ghi nhận.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam mới trong giai đoạn bước đầu chuyển đổi từ mô hình phát triển dựa chủ yếu vào tài nguyên sang sử dụng có hiệu quả hơn. Dẫn báo cáo gần đây nhất của WEF đánh giá về mức độ sẵn sàng cho sản xuất trong tương lai của 100 quốc gia và nền kinh tế, Việt Nam được xét trên 4 chỉ số.
Cụ thể Việt Nam xếp hạng 70/100 về nguồn nhân lực, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp hạng 81/100 và 75/100; xếp hạng 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó, xếp hạng 92/100 về nền tảng công nghệ, xếp hạng 77/100 về năng lực sáng tạo.
Phó Thủ tướng khẳng định, KH&CN là lĩnh vực hiếm hoi vượt trên mặt bằng chung. Minh chứng thêm về điều này Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn thêm Chỉ số sáng tạo và đổi mới toàn cầu của Việt Nam hiện đứng thứ 47 trên thế giới. Trong đó, 5 nhóm chỉ số đầu vào là thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của các loại thị trường, môi trường kinh doanh. Nhóm này có vị trí trung bình 71. Còn 2 nhóm chỉ số đầu ra là tri thức công nghệ, kết quả đổi mới sáng tạo, trực tiếp liên quan đến ngành KHCN, thì Việt Nam đứng thứ 38.
“Điều đó cho thấy trong mặt chung của cả nước thấy rằng giới khoa học có bước tiến hơn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định tới đây ngành KH&CN phải làm gì để đạt được kỳ vọng mà Quốc hội và nhân dân đặt ra để góp phần hơn nữa vào tăng năng suất lao động, đất nước phát triển hơn thì có rất nhiều việc phải làm.
“Phải có cơ chế thực sự thiết thực, động lực kinh tế để các DN thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, thấy được sự cấp thiết phải làm KHCN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” – Phó Thủ tướng nói và cho rằng hiện nay các chính sách mới dừng ở mức kêu gọi. Phải đẩy mạnh cơ chế tự chủ, vốn ít nhưng sử dụng hiệu quả. Đưa công tác nghiên cứu KH&CN trở thành một phần quan trọng, không thể thiếu trong các trường đại học.
“Nhà nước phải tạo môi trường thực sự đồng bộ từ các chính sách kinh tế để doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo đến nguyên lý chấp nhận rủi ro, độ trễ khoa học trong vận hành các thiết chế đầu tư cho KHCN. Chúng ta đã có ví dụ rất tốt như mô hình Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) khi những đề tài được quỹ này tài trợ 50% kinh phí đã chiếm ¼ tổng số nghiên cứu công bố khoa học quốc tế của Việt Nam trong 5 năm gần đây” – Phó Thủ tướng minh chứng thêm.
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý về sự minh bạch mọi khâu liên quan đến nghiên cứu. Theo đó mọi thông tin đều phải công khai minh bạch từ khâu đăng ký đề tài, kết quả, quá trình thẩm định, bỏ phiếu kết quả đề tài… Các đề tài KHCN cần được kết nối với cơ sở dữ liệu khoa học trong nước và thế giới để các nhà khoa học không mất thời gian, công sức giải quyết những vấn đề mà trong nước, kể cả quốc tế đã nghiên cứu.