Hiện đã có loại cửa sổ “kính thông minh” tiết kiệm năng lượng được làm mờ để ngăn chặn các tia nắng mặt trời, giảm nhu cầu điện năng của các hệ thống điều hòa không khí. Nhưng mới đây, các nhà khoa học tại trường Đại học RMIT ở Ôxtrâylia đã phát triển được lớp phủ cho phép loại kính hiện có trở nên thông minh, mà không cần đến điện.
Lớp phủ tự điều chỉnh bao gồm vanađi dioxit có giá thành tương đối rẻ, chỉ dày cỡ 50-150 nanomét, mỏng hơn gần 1.000 lần sợi tóc. Khi nhiệt độ bề mặt dưới 67oC, vanadi dioxit đóng vai trò như chất cách nhiệt, giữ cho nhiệt bên trong không bị thoát ra ngoài qua kính cửa sổ và còn cho phép toàn bộ quang phổ của ánh nắng mặt trời từ bên ngoài đi vào. Tuy nhiên, ở nhiệt độ trên 67oC, vanadi dioxit biến đổi thành kim loại ngăn chặn bức xạ hồng hoại của mặt trời thâm nhập vào bên trong.
Có nghĩa là các căn phòng ấm hơn khi nhiệt độ thấp và mát hơn khi nhiệt độ cao, nên ít phải sử dụng cả các hệ thống sưởi và điều hòa nhiệt độ. Ngoài ra, nếu muốn, người sử dụng có thể loại bỏ hiệu ứng ngăn chặn tia của lớp phủ bằng công tắc điều chỉnh độ sáng.
Trước đây, để gắn lớp phủ vanadi dioxit, các lớp hoặc nền tảng chuyên dạng phải được tạo ra trên bề mặt. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một phương pháp áp lớp phủ trực tiếp lên bề mặt như kính cửa sổ mà không cần lớp nền. Các nhà khoa học hy vọng hệ thống sẽ sớm được thương mại hóa.
- Madhu Bhaskaran cho biết: “Công nghệ của chúng tôi có tiềm năng giảm chi phí sưởi ấm và điều hòa không khí gia tăng, cũng như giảm đáng kể phát thải cacbon từ các tòa nhà mọi kích cỡ. Các giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng của chúng tôi không chỉ bắt nguồn từ các dạng năng lượng tái tạo; công nghệ thông minh loại bỏ tình trạng lãng phí năng lượng là hoàn toàn cần thiết”.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports – Nature. Cửa sổ thông minh phủ vanadi dioxit cũng đang được các nhà khoa học Anh chế tạo.
N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/vanadium-dioxide-window-coating/53588/