Toàn cảnh buổi họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước
Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất các sản phẩm maltodextrin, nha maltose qui mô 1 tấn sản phẩm/mẻ và bột protein từ gạo qui mô 50 kg sản phẩm/mẻ. Cùng với đó, sản xuất thành công 20 tấn maltodextrin, 25 tấn nha maltose và 1,1 tấn bột protein ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm, bước đầu đưa sản phẩm thương mại hóa trên thị trường.
Đó là những kết quả chủ yếu của Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm (maltodextrin, nha maltose và bột protein) từ gạo ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm”, mã số CT-592.DABKHCN.08.2015, thuộc “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm” (Chương trình 592) của Bộ KH&CN.
Thông tin được đưa ra tại buổi họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ KH&CN tổ chức ngày 26/12/2017 tại Hà Nội. Đây là Dự án Bộ KH&CN giao Công ty CP Thực phẩm Minh Dương chủ trì, Viện Công nghiệp Thực phẩm phối hợp thực hiện và KS. Chu Hương Giang làm chủ nhiệm.
Tận dụng nguyên liệu dồi dào, sẵn có
Tại buổi Họp nghiệm thu, KS. Chu Hương Giang – Chủ nhiệm dự án cho biết, để nâng cao giá trị cho hàng nông sản Việt Nam nói chung, nguyên liệu gạo nói riêng, việc nghiên cứu sản xuất những sản phẩm sau thu hoạch là một trong những định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước. Do vậy, việc đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ gạo (maltodextrin, nha maltose và bột protein) là một hướng đi rất cần thiết nhằm nâng cao giá trị của lúa gạo nước ta.
Maltodextrin là polysaccharide có giá trị năng lượng, độ ngọt thấp, là sản phẩm thủy phân từ tinh bột bằng enzyme dịch hóa, được cấu thành từ các D-glucose nhờ các liên kết α-1,4 glucosit và có chỉ số DE < 20. Do có đặc tính của chất mang, chất kết dính, chất độn, chất trơn, chất rã, chất tạo khối nên Maltodextrin được ứng dụng rất lớn trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.
Nha maltose cũng được sản xuất bằng sự thủy phân của enzyme dịch hóa và đường hóa, gồm glucose, maltose và các oligosaccharide khác, trong đó hàm lượng maltose cao nhất. Nha maltose có độ ngọt trung bình bằng một nửa đường mía, có độ nhớt thấp, ít hút ẩm, bền nhiệt, có màu vàng hoặc màu trắng và được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm. Nha maltose đang được lựa chọn để thay thế đường mía tốt nhất bởi tính năng vượt trội như tạo được độ dai, không bị lại đường, không bị chảy nhão do hút ẩm và là nguyên liệu bổ sung quan trọng cho sản xuất bia, sữa giúp hạ giá thành sản phẩm và vẫn đảm bảo chất lượng.
Bột protein được sản xuất từ protein thô thu được từ dịch hóa bột gạo, sau đó thủy phân bằng enzyme protease, có hàm lượng protein, axit amin cao. Bột protein được ứng dụng nhiều trong thực phẩm, thực phẩm chức năng bởi có tác dụng thải độc và cholesterol trong máu, phòng chống các bệnh ung thư đường tiêu hóa, bệnh tim mạch, chống viêm, giảm căng thẳng, làm sạch ruột,…, bà Hương Giang cho biết.
Việt Nam có tiềm năng về nguyên liệu để sản xuất ba loại sản phẩm từ gạo. Theo thống kê, tổng sản lượng lúa niên vụ 2015/2016 đạt 44,94 triệu tấn, tương đương 28,09 triệu tấn gạo đã xay xát, năng suất bình quân 5,77 tấn/ha và xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo trị giá 2,7 tỉ USD. Năm 2016, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 xuất khẩu gạo thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo bà Chu Hương Giang, việc sản xuất ba loại sản phẩm này ở quy mô công nghiệp còn rất hạn chế. Năm 2008, khi thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm tinh bột biến tính bằng công nghệ enzyme làm nguyên liệu cho công nghiệp dược, công nghiệp thực phẩm”, Viện Công nghiệp Thực phẩm đã xây dựng được qui trình công nghệ sản xuất tinh bột biến tính từ gạo với DE 8-12. Còn việc nghiên cứu sản xuất maltodextrin DE 12-15, nha maltose và bột protein vẫn chưa được nghiên cứu, sản xuất. Do vậy, việc hoàn thiện công nghệ sản xuất ba loại sản phẩm từ gạo ở qui mô công nghiệp thực sự cần thiết bởi, hiện nay trong ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và một số ngành công nghiệp khác nhu cầu sử dụng ba loại sản phẩm từ gạo là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm (maltodextrin, nha maltose và bột protein) từ gạo ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm”.
Dự án được triển khai từ tháng 11/2015 đến tháng 7/2017, nhằm mục tiêu hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất 3 loại sản phẩm từ gạo: maltodextrin DE 12-15, nha maltose qui mô 1 tấn sản phẩm/mẻ và bột protein từ gạo qui mô 50 kg sản phẩm/mẻ. Đồng thời, thành lập doanh nghiệp KH&CN.
Đưa sản phẩm đến với thị trường
Bà Chu Hương Giang cho biết, triển khai dự án nói trên, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu tổng quan về công nghệ sản xuất sản phẩm từ tinh bột gạo, thu thập thông tin, xử lý số liệu, đánh giá thực trạng sản xuất maltodextrin, nha maltose, bột protein từ gạo. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất maltodextrin DE 12-15 và nha maltose từ gạo qui mô công nghiệp 1 tấn sản phẩm/mẻ. Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất bột protein bằng công nghệ enzyme từ gạo qui mô 50 kg sản phẩm/mẻ. Hoàn thiện dây chuyền thiết bị sản xuất các sản phẩm maltodextrin, nha maltose qui mô 1 tấn sản phẩm/mẻ và bột protein từ gạo qui mô 50 kg sản phẩm/mẻ.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được tỷ lệ ứng dụng 3 loại sản phẩm và đánh giá hiệu quả ứng dụng tại một số cơ sở chế biến thực phẩm như Công ty Bánh kẹo Hải Hà, Công ty CP Thực phẩm Minh Dương, Công ty Cổ phần sữa Quốc tế, Công ty Bánh kẹo Tràng An. Đồng thời, sản xuất thử nghiệm 3 loại sản phẩm: maltodextrin DE12-15 qui mô công nghiệp 1 tấn SP/mẻ, nha maltose qui mô công nghiệp 1 tấn sản phẩm/mẻ và bột protein qui mô 50kg sản phẩm/mẻ. Đặc biệt, đã sản xuất được 20 tấn maltodextrin, 25 tấn nha maltose và 1,1 tấn bột protein. Sau khi tiếp thị quảng bá và ứng dụng sản phẩm, Công ty đã bán được sản phẩm cho một số công ty chế biến thực phẩm.
Theo bà Hương Giang, trong quá trình sản xuất maltodextrin, nha maltose cho thấy, cứ 1 tấn gạo thu được 60,4kg protein thô. Do đó, để tính giá thành của maltodextrin, nha maltose, bột protein, căn cứ vào giá thành sản xuất của ba loại sản phẩm này và giá thành protein thô của Trung Quốc thì maltodextrin và nha maltose chiếm 60% giá thành nguyên liệu gạo, còn bột protein chiếm 40% giá thành gạo.
“Trong thời gian tới Công ty muốn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng cách tiếp tục quảng bá, tiếp thị sản phẩm tới tận các công ty chế biến thực phẩm và dược phẩm trong cả nước và tiến tới xuất khẩu”, bà Hương Giang cho biết.
Công đoạn lọc xơ thu hồi protein thô tại Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương
Các chuyên gia, thành viên trong Hội đồng đánh giá cao kết quả của Dự án, đồng thời cho rằng, Dự án đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến thực phẩm, trong đó có công nghệ ứng dụng enzyme trong chế biến tinh bột nhằm tạo ra sản phẩm theo hướng công nghệ nền – công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất sạch hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là công nghệ được các nước trong khu vực và thế giới ứng dụng trong rất nhiều sản phẩm thực phẩm.
Chuyên gia, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh nhận định, các sản phẩm của Dự án đã đạt chất lượng, thời hạn theo yêu cầu, một số sản phẩm vượt về số lượng so với đăng ký. Việc sản xuất 3 sản phẩm từ gạo bằng công nghệ enzyme được phát triển ở các nhà máy chế biến thực phẩm làm phong phú thêm các sản phẩm từ tinh bột, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực chế biến tinh bột nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
Được biết, hiện Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương đã chuẩn bị xong hồ sơ thành lập doanh nghiệp KH&CN và đã gửi Sở KH&CN Hà Nội xem xét để cấp giấy chứng nhận đạt doanh nghiệp KH&CN. Khi được phê duyệt, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm hàng hóa góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Cesti.gov.vn