Theo một nghiên cứu tiến hành ở 901 bệnh nhân cấp cứu của Nhật Bản được công bố trên tạp chí Critical Care mới đây cho thấy, những bệnh nhân nhóm máu O có tỷ lệ tử vong cao hơn khi bị chấn thương nặng.
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Trường Đại học Y và Nha khoa Tokyo, Nhật Bản đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân chấn thương nặng (những người có vết thương nặng có khả năng dẫn đến bị tàn tật hoặc tử vong) thuộc nhóm máu O có tỷ lệ tử vong là 28%, so với tỷ lệ tử vong 11% ở những bệnh nhân có các nhóm máu khác.
Tiến sĩ Wataru Takayama, tác giả chịu trách nhiệm chính, cho biết: “Các nghiên cứu gần đây cho thấy nhóm máu O có thể là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây xuất huyết (chảy máu với số lượng lớn). Tình trạng mất máu là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những bệnh nhân bị chấn thương nặng nhưng nghiên cứu mối liên quan giữa các nhóm máu khác nhau và nguy cơ tử vong do chấn thương rất hiếm. Và chúng tôi muốn phân tích giả thuyết sự sống của bệnh nhân bị chấn thương nặng bị phụ thuộc vào từng nhóm máu khác nhau”.
Những bệnh nhân nhóm máu O đã được chứng minh là nồng độ yếu tố von Willebrand (yếu tố von Willebrand giúp một loại tế bào trong máu gọi là tiểu cầu kết dính với nhau và tạo thành cục máu đông để cầm chảy máu) thấp hơn so với những người thuộc các nhóm máu khác. Nồng độ yếu tố von Willebrand thấp có thể liên quan đến mức độ xuất huyết nặng hơn. Và các tác giả nghiên cứu gợi ra rằng ở bệnh nhân chấn thương thuộc nhóm máu O có nồng độ của yếu tố von Willebrand thấp hơn sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Wataru Takayama nói: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi làm gia tăng các câu hỏi về việc truyền máu O cho bệnh nhận chấn thương nặng trong tình trạng nguy kịch có thể tác động đến cơ chế điều hòa cân bằng nội môi (quá trình làm ngưng chảy máu) như thế nào và có sự khác nhau giữa các nhóm máu khác hay không. Rất cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn nữa để làm rõ hơn các kết quả nghiên cứu này và phát triển các cách thức điều trị tốt nhất cho các bênh nhân bị chấn thương mạnh”.
Các tác giả đã sử dụng dữ liệu hồ sơ y tế của 901 bệnh nhân bị chấn thương nặng được chuyển cấp cứu đến một trong hai trung tâm cấp cứu lớn tại Nhật Bản trong giai đoạn 2013-2016.
Các tác giả cảnh báo rằng tất cả các bệnh nhân có dữ liệu được phân tích trong nghiên cứu này là người Nhật và do đó cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu xem những phát hiện này có áp dụng cho các nhóm dân tộc khác hay không. Ngoài ra, không có đánh giá về tác động của từng nhóm máu A, AB hoặc B đối với tỷ lệ tử vong chấn thương nghiêm trọng.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com/news/2018-05-blood-patients-higher-death-severe.html,