Thuốc lá là một trong những cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác ở các vùng miền núi phía Bắc Việt Nam. Trong những anwn gần đây, những giống thuốc lá mới với ưu thế về năng suất và chất lượng và chịu thâm canh đã dần dần thay thế các giống địa phương. Từ những năm 1990 trở lại đây, phần lớn diện tích trồng thuốc lá vàng sấy phía Bắc được thay thế bằng các giống thuốc lá mới mới nhập nội và thuần hóa (K326, C176), hoặc các giống mới được lai tạo trong nước (C9-1, C7-1, GL7, GL2…) do Viện Thuốc lá cung cấp. Song song với thay đổi bộ giống là hiện tượng các nguồn gen thuốc lá địa phương ngày càng thu hẹp lại, có nguy cơ xói mòn rất cao.

Nhằm hạn chế hiện tượng xói mòn nguồn gen thuốc lá, Viện Thuốc lá là đơn vị được giao nhiệm vụ thu thập và bảo tồn nguồn gen cây thuốc lá từ năm 1987 đến nay. Tại thời điểm cuối năm 2016, Viện Thuốc lá đã thu thập và lưu giữ 192 mẫu giống thuốc lá với nhiều chủng loại phong phú (thuốc lá vàng sấy, nâu phơi, xì gà, oriental, thuốc lá dại). Nguồn gen hiện được chia về hai cấp quản lý (Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam – 114 mẫu và Bộ Công Thương – 78 mẫu). Phương pháp bảo tồn sử dụng hiện nay là bảo tồn cây in-vitro và bảo tồn hạt trung hạn. Hàng năm, nhiệm vụ đã tiến hành thu thập những mẫu nguồn gen thuốc lá mới có những đặc tính quý để bổ sung nguồn vật liệu khởi đầu. Bên cạnh đó, nhiệm vụ cũng duy trì bảo tồn nguồn gen cây (đảm bảo duy trì sinh trưởng bình thường và nguyên trạng trong ống nghiệm) và nguồn gen hạt trong kho lạnh ở điều kiện trung hạn (đảm bảo TLNM của các giống trên 65%, số lượng tren 5g hạt), nhân bổ sung và thay thế kịp thời nguồn gen hạt (nhân bổ sung các giống chưa có hạt, lượng hạt tồn kho thấp, hạt có tỷ lệ nảy mầm giảm dưới 65%) nhằm đảm bảo cung cấp nguồn hạt giống khi cần thiết. Ngoài ra, nhiệm vụ cũng khảo sát, đánh giá sơ bộ các mẫu giống thuốc lá vàng sấy trong nguồn gen nhằm phân nhóm quỹ gen theo các đặc điểm chính như nhóm cho năng suất cao (Bel-619, NC17, C221…), nhóm có thời gian ra hoa muộn (C227, NC95.1, SpG28, Vir87, Bel-619…), có tổng số lá nhiều (SpG58, Vir87, Ninh Bình 1, Bel-619…), có ưu thế về hương (DVD, NC628…)… để cung cấp thông tin cho các nhà chọn tạo giống trong việc lựa chọn nguồn vật liệu khởi đầu.

Việc bảo tồn an toàn nguồn gen thuốc lá là công việc cần được tiến hành thường xuyên và liên tục do đó một nghiên cứu mới do ThS. Trần Thị Thanh Hảo, Công ty TNHH một thành viên Viện Thuốc lá đứng đầu đã triển khai thực hiện nghiên cứu đề tài: “Bảo tồn và lưu trữ nguồn gen cây thuốc lá” nhằm bảo tồn an toàn 78 mẫu nguồn gen thuốc lá và thu thập 01 mẫu nguồn gen thuốc lá mới cũng như xây dựng, cập nhật được lý lịch 10 giống thuốc lá đánh giá ngoài đồng ruộng năm 2016.

Sau một triển khai, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả sau: 

  1. Đối với việc Bảo tồn nguồn gen thuốc lá

– Điều tra, thu thập mẫu nguồn gen thuốc lá mới : đã điều tra, thu thập bổ sung 01 mẫu nguồn gen thuốc lá địa phương Cao Bằng 4 tại thôn Đông Hoan, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng với đặc tính chịu ra hoa muộn, chịu rét, tuy nhiên lại mẫn cảm với bệnh khảm lá (TMV).

– Bảo quản và lưu giữ nguồn gen thuốc lá:

+ Mẫu in-vitro: 78 mẫu in-vitro được thường xuyên thanh lọc, cấy chuyển kịp thời đảm bảo các mẫu sinh trưởng bình thường;

+ Mẫu hạt: 70/78 mẫu mẫu hạt được duy trì TLNM ≥ 65%, 08 mẫu hạt giống có TLNM dưới 65% cần nhân thay thế vào năm sau (Lào Cai, N.T. Samsun, N.Var. Xanthi, Vir4241, SpG70, C251, C319 và Cao Bằng 3).

– Bổ sung 12 mẫu hạt giống vào nguồn gen hạt: gồm CMS1303, NC95-2, SpG58, HR62-3, P1349-2, Trung Hoa Bài 1, Vir25-5-3, Vir131, Vir97, Vir188, Hót Lá Bài và SpG28-3 với số lượng từ 20,5 – 102,6 g/mẫu và TLNM ≥ 85%.

  1. Kết quả mô tả đánh giá nguồn gen 10 giống đánh giá năm 2016 (CMS 1303, NC95-2, SpG58, HR62-3, P1349-2, Trung Hoa Bài 1, Vir 25-5-3, Vir131, Vir97 và Vir188) có một số đặc điểm chính so với giống đ/c K326:

Giống có thời gian phát dục muộn: Vir188 và SpG58

Giống có đường kính thân lớn: SPG58, CMS1303, SpG58, Vir 188

Giống có lá đóng thưa, lóng dài: Vir 97, P1349-2

Giống có chiều cao cây cao: SpG58, NC95-2

Giống có tổng số lá nhiều: NC95-2; tổng số lá ít: P1349-2

Giống có tỷ lệ tươi/khô thấp: Vir 131

Giống có tỷ lệ cọng thấp: P1349-2, HR62-3, NC95-2

Các giống có năng suất thực thu thấp: CMS1303, P1349-2, Trung Hoa Bài 1 và Vir 131; các mẫu Vir188, HR62-3 tương đương giống đối chứng

Giống có tính chất hút khá tốt: NC95-2, Vir97 và Vir 188.

  1. Tư liệu hóa nguồn gen 10 giống đánh giá trong năm 2016, gồm CMS1303, NC95-2, SpG58, HR62-3, P1349-2, Trung Hoa Bài 1, Vir 25-5-3, Vir131, Vir97 và Vir188, đã được đánh giá nguồn gen và được cập nhật, bổ sung vào lý lịch giống 50 chỉ tiêu chính.

Để đảm bảo nguồn gen hạt luôn an toàn nhóm nghiên cứu cũng đề nghị được cho phép thực hiện các nội dung trong năm 2017 – Nhân thay thế các mẫu hạt Lào Cai, N.T. Samsun, N.Var. Xanthi, Vir 4241, SpG70, C 251, C319 và Cao Bằng 3 có TLNM < 65%. Tiếp tục mở rộng đối tượng thu thập các nguồn gen thuốc lá (nhập nội, trao đổi nguồn gen quốc tế…) nhằm đa dạng nguồn gen hiện có và tiếp tục bảo quản và lưu giữ, đánh giá các giống trong tập đoàn để hoàn thiện và cập nhật bộ lý lịch giống phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành thuốc lá.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13245/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)