Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố danh sách chưa từng có về những “mầm bệnh ưu tiên”- danh sách các vi khuẩn kháng kháng sinh đe dọa lớn nhất đến sức khỏe con người. Danh sách này được chia thành ba loại: mức ưu tiên rất cao, cao và trung bình. Trong nhóm ưu tiên rất cao có ba siêu vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh như nhóm kháng sinh carbapenem và gây nguy cơ cao cho những bệnh nhân nằm viện và trong nhà dưỡng lão.
Vi khuẩn đa kháng thuốc, đôi khi được gọi là “siêu vi khuẩn” thuộc nhóm ưu tiên rất cao vì các bệnh nhiễm trùng do những mầm bệnh này gây ra, có thể khiến con người tử vong. Ví dụ, những người bị nhiễm bệnh từ loại vi khuẩn đa kháng thuốc được gọi là Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) có nguy cơ tử vong cao hơn 64% so với những người mắc bệnh nhiễm trùng tương tự nhưng do vi khuẩn không kháng kháng sinh gây ra.
Dưới đây là ba vi khuẩn hàng đầu mà WHO đang lo ngại:
Acinetobacter baumannii kháng carbapenem
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), vi khuẩn này có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng máu nặng và các căn bệnh khác. A. baumannii xuất hiện chủ yếu ở những bệnh nhân nằm viện. Nó lây lan qua tiếp xúc từ người này sang người khác hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm khuẩn. Mặc dù mầm bệnh này không đe dọa lớn đối với người khỏe mạnh, nhưng nó rất nguy hiểm cho bệnh nhân có hệ miễn dịch bị tổn thương hoặc người mắc bệnh mãn tính. Sự bùng phát của A. baumannii thường diễn ra trong môi trường bệnh viện như các đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe lâu dài đối với bệnh nhân bị bệnh như nhà dưỡng lão. Nhưng mức độ phổ biến của mầm bệnh này tại nhiều quốc gia trên thế giới còn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo ước tính, A. baumannii gây ra khoảng 2% – 10% bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc tại các đơn vị chăm sóc tích cực ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Pseudomonas aeruginosa kháng carbapenem
Các bệnh nhiễm trùng do P. aeruginosa gây ra, thường xuất hiện trong bệnh viện. Đối với những bệnh nhân bị nhiễm P. aeruginosa, viêm phổi hoặc các nhiễm trùng hậu phẫu có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm, thậm chí tính mạng bị đe dọa. Nhưng vi khuẩn này cũng có thể sống trong bồn tắm nước nóng và bể bơi và có liên quan đến nhiễm trùng tai và phát ban da nghiêm trọng. P. aeruginosainfections thường xuất hiện phổ biến nhất trong các bệnh viện; bệnh nhân có thể bị nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc với máy thở hoặc ống thông hoặc thông qua một vết thương phẫu thuật. Các bệnh nhiễm khuẩn trở nên rất nguy hiểm nhất đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ước tính mỗi năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 51.000 bệnh nhiễm trùng do P. aeruginosa xuất hiện tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe; trong số đó, hơn 6.000 bệnh nhiễm trùng bắt nguồn từ các dạng vi khuẩn đa kháng thuốc. Khoảng 400 trường hợp tử vong ở Hoa Kỳ mỗi năm có liên quan đến bệnh nhiễm trùng này.
Enterobacteriaceae kháng carbapenem
Các bệnh nhiễm trùng do Enterobacteriaceae kháng carbapenem (CRE) thường xuyên xuất hiện trong các bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe lâu dài. Tương tự như A. baumannii, CRE thường không gây nguy hiểm cho những người khỏe mạnh nhưng nguy hiểm nhất cho những người có hệ miễn dịch bị tổn thương. CRE có thể lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người hoặc qua các thiết bị y tế như máy thở. Trong một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí JAMA, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng CRE đã ảnh hưởng đến 3 trong số 100.000 người dân Hoa Kỳ. Trong số 599 trường hợp nghiên cứu, 51 bệnh nhân đã tử vong.
Các mầm bệnh khác có liên quan
Trong hai mục khác trong danh sách các mầm bệnh ưu tiên, WHO đã đề cập đến những mầm bệnh kháng một số loại kháng sinh và những vi khuẩn gây ra các bệnh như bệnh lậu và ngộ độc thực phẩm Salmonella.
Sáu tác nhân gây bệnh được đưa vào mục ưu tiên cao và ba tác nhân được liệt vào loại ưu tiên trung bình. Sáu mầm bệnh có mức ưu tiên cao là: Enterococcus faecium kháng vancomycin; Staphylococcus aureus, kháng methicillin, vancomycin trung gian; Helicobacter pylori kháng clarithromycin; Campylobacter spp, kháng Fluoroquinolone; Salmonellae kháng fluoroquinolon; và Neisseria gonorrhoeae kháng cephalosporin, fluoroquinolone. Ba tác nhân gây bệnh có mức ưu tiên trung bình gồm: Streptococcus pneumoniae không nhạy với penicillin; Haemophilus influenzae kháng ampicillin; và spp Shigella. kháng fluoroquinolone.
WHO đã hợp tác với Bộ phận nghiên cứu bệnh nhiễm trùng tại Trường Đại học Tübingen ở Đức để lập danh sách các vi khuẩn kháng kháng sinh đe dọa sức khỏe con người. Để xác định được các vi khuẩn này, nhóm nghiên cứu đã xem xét một số yếu tố gồm có các bệnh nhiễm trùng chết người do vi khuẩn gây ra, mức độ vi khuẩn kháng kháng sinh hiện có, mức độ lây lan của vi khuẩn, số lượng các lựa chọn điều trị sẵn có và phương thức ngăn chặn các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
WHO lập danh sách vi khuẩn kháng kháng sinh để hướng tới một trong những mục tiêu chính là thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn về việc phát triển các thuốc kháng sinh mới và truyền cảm hứng cho chính phủ các nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cần có phương thức ngăn ngừa hiệu quả hơn và sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh hiện có để giải quyết thỏa đáng mối đe dọa này.
N.P.D (NASATI), Theo http://www.livescience.com/58317-these-superbugs-pose-the-greatest-threat-to-human-health.html, 17/3/2017