Cây Dó bầu Aquilaria crassna Pierrethuộc chi Dó trầm họ Trầm bao gồm 15 loài được tìm thấy ở châu Á, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á. Trong đó, một số loài có khả năng tạo trầm hương do sự tấn công của côn trùng, vi khuẩn, vết cắn tự nhiên hoặc do tác động hóa học. Trầm hương là sản phẩm tự nhiên có giá trị kinh tế cao, được sử dụng để làm nhang đốt, nước hoa, thuốc y học dân tộc và nhiều sản phẩm hàng hóa khác trên thị trường thế giới. Ngày nay, do tình trạng khai thác bừa bãi của con người nên diện tích tự nhiên của các loài thuộc chi này đang giảm sút một cách đáng kể và chúng được xếp vào danh mục các loài cần được bảo vệ. Ở Việt Nam, cây Dó bầu được khuyến khích nhân giống và phát triển rộng rãi khắp các tỉnh trong cả nước nhằm bảo tồn nguồn gen quý, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường và thu được các sản phẩm có giá trị như trầm hương và kỳ nam.
Cho đến nay, có rất nhiều công bố trong và ngoài nước về trầm hương và tinh dầu trầm, tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về lá Dó bầu Aquilaria crassna Pierre. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, lá Dó Bầu chứa thành phần mangiferin, một chất có hoạt tính chống oxy hóa mạnh. Mangiferin được tìm thấy lần đầu tiên vào khoảng năm 1992-1923. Đến năm 1985, các nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của mangiferin đối với virus Herpes thì hợp chất này mới bắt đầu được chú ý khai thác. Mangiferin còn được chứng minh có tác dụng kháng virus gây bệnh thủy đậu và zona, kích thích miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào, tăng cường tổng hợp interferon trong các tế bào máu, tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống oxy hóa và chống ung thư. Hiện nay, mangiferin chủ yếu được phân lập từ lá Xoài.
Mangiferin là hợp chất xanthone có hoạt tính sinh học quý như khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa, tác dụng ức chế loại II 5 α – reductase trong ống nghiệm, gastroprotective và hiệu ứng trị đái tháo đường trong các loài gặm nhấm. Vì vậy, từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam do ThS. Nguyễn Ngọc Thanh làm chủ nhiệm đề tài, đã thực hiện: “Nghiên cứu phân lập hoạt chất mangiferin từ lá cây Dó bầu Aquilaria crassna Pierre và bào chế sản phẩm ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng”.
Sau quá trình thực hiện nghiên cứu, đề tài đã đạt được các kết quả sau:
- Xác định được độ ẩm mẫu lá nguyên liệu là 5,2%.
- Từ ba vùng nguyên liệu Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La qua quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được Sơn La là vùng cung cấp nguyên liệu cho các thí nghiệm tiếp theo của đề tài. Nguyên liệu được sấy khô tới 5,2%.
- Đã xây dựng được quy trình công nghệ cho quá trình chiết với công suất 5kg nguyên liệu A.crassana khô/mẻ, sử dụng dung môi metanol, chiết hồi lưu 3 lần, cô giảm thể tích còn 1/6, loại bỏ tạp chất bang ethyl axetat, kết tinh lại trong etanol 60% tại nhiệt độ phòng trong 24h. Hiệu suất thu hồi sản phẩm đạt 59%.
- Đã thử nghiệm lặp lại quy trình trên quy mô 5kg nguyên liệu khô/mẻ, thu được 1kg sản phẩm mangiferin.
- Đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với sản phẩm mang tên mangiferin.
- Đã thử hoạt tính chống oxy hóa và hoạt tính kháng khuẩn của sản phẩm mangiferin. Kết quả cho thấy hoạt tính chống oxy hóa của mangiferin cho giá trị EC50 31,5 µg/ml (µM), tuy nhiên, chất này không thể hiện khả năng kháng các chủng vi khuẩn gram dương, gram âm và nấm ở nồng độ 128 µg/ml.
- Kết quả thử hoạt tính với các chủng virus HSV-1 cho giá trị IC50 = 78,125 µg/ml (185 µM) trên nuôi cấy tế bào thường trực Vero.
- Đã bào chế thử nghiệm 1kg sản phẩm thực phẩm chức năng có công dụng chỉ định các dạng bệnh cấp tính và tái phát herpes (sinh dục và ngoài sinh dục), eczema Caposi, thủy đậu, các bệnh ở miệng do virus gây ra.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12253/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)