Startup giúp kết nối khách hàng với máy bay và phi công BlackBird vừa huy động thành công 10 triệu USD.
Rudd Davis, người sáng lập và CEO BlackBird mong muốn việc sử dụng máy bay riêng cho các chuyến đi có độ dài đường bay 80-800 km trở nên phù hợp với túi tiền của nhiều người. Thách thức lớn nhất theo vị CEO này là niềm tin của mọi người đối với dịch vụ.
“Nếu muốn có một chuyến đi sang chảnh, khách hàng không nên chọn dịch vụ của BlackBird. Sẽ không có chiếc ghế nằm nào trên máy bay của chúng tôi cả”, Davis chia sẻ với Forbes.
Vị cựu chủ tịch của USA Today này đã dành 3 năm để xây dựng BlackBird – startup kết nối hành khách với máy bay riêng và phi công. Hành khách có thể tham gia một hành trình bay sẵn có bằng cách mua ghế trống trên chuyến bay. Họ cũng có thể thuê máy bay để đi theo hành trình mong muốn, chẳng hạn từ Francisco Bay Area đến Lake Tahoe, sau đó chọn một phi công từ danh sách của BlackBird.
“BlackBird cho bạn thêm một phương án thay thế cho việc lái xe”, Davis giới thiệu.
Davis không phải người duy nhất tin vào thành công của “Uber cho máy bay”. Hôm thứ ba, BlackBird tuyên bố huy động được 10 triệu USD từ công ty NEA ở thung lũng Silicon. Jonathan Golden, một đối tác tại NEA và là cựu giám đốc của Airbnb, sẽ tham gia hội đồng quản trị công ty.
Sự phát triển của BlackBird gợi cho Golden về những ngày đầu của Airbnb và Lyft, khi mọi người phải làm quen dần với việc chia sẻ xe hơi hoặc ngủ trong nhà của ai đó. Có tài xế riêng từng là điều chỉ dành cho giới thượng lưu nhưng giờ đây nó đã trở nên vô cùng đơn giản nhờ các ứng dụng kết nối xe. Golden tin BlackBird có thể làm được điều tương tự.
Tuy nhiên, liệu startup này có đủ khách hàng để giảm giá dịch vụ hay không vẫn là một câu hỏi khó. Theo BlackBird, giá vé đi từ Oakland đến Las Vegas là 99 USD với chuyến bay chung và 1.100 USD cho khách hàng tự thuê máy bay. Bên cạnh đó, khách hàng có thể phải tiếp tục thuê xe hơi sau khi xuống máy bay để đến địa điểm mong muốn. Vì vậy giá cả dịch vụ là yếu tố rất quan trọng để thu hút khách hàng.
Thách thức tiếp theo của BlackBird là làm sao có đủ máy bay và phi công tham gia vào mạng lưới của công ty. Không giống như Lyft, Uber hay Airbnb – các startup dễ dàng tìm được những người có xe hơi hoặc nhà muốn chia sẻ – không nhiều người sở hữu máy bay riêng.
Hầu hết máy bay của BlackBird đang cung cấp là do công ty ký hợp đồng thông qua các câu lạc bộ bay hoặc các mạng hiện có như JetSuiteX. Tuyển dụng phi công cũng là khó khăn với công ty khi Mỹ đang đối mặt với thực trạng thiếu hụt phi công và chi phí đào tạo không hề rẻ.
Các quy định là một trở ngại khác và là một phần lý do Davis cần đến 3 năm để xây dựng mô hình kinh doanh này. Tuy nhiên CEO BlackBird tự tin có thể giải quyết các vấn đề pháp lý khi startup này chỉ hoạt động như một nền tảng kết nối khách hàng với phi công và máy bay.
Linh Lam – Người đưa tin