Rửa tay và tiệt trùng các thiết bị, đồ dùng là biện pháp tiết kiệm và hiệu quả nhất để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Nguồn: Bệnh viện Bưu điện.
(Báo Tia sáng) Công bố mới “Tình trạng xâm nhập phổ biến của vi khuẩn đường ruột kháng carbapenem giữa các bệnh nhân điều trị trong các bệnh viện Việt Nam: Những nguyên nhân rủi ro và gánh nặng bệnh tật” (High prevalence of colonisation with carbapenem-resistant Enterobacteriaceae among patients admitted to Vietnamese hospitals: Risk factors and burden of disease) trên tạp chí Journal of Infection của các nhà khoa học Thụy Điển và Việt Nam đã phát hiện ra: khoảng một nửa các bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện ở Việt Nam đang mang vi khuẩn đường ruột đa đề kháng, vốn có khả năng kháng carbapenems, một nhóm các kháng sinh có phổ tác dụng rộng nhất trong số các nhóm kháng sinh hiện hành.
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy tình trạng phổ biến là các vi khuẩn đường ruột kháng đa đề kháng trong các bệnh viện. Do các vi khuẩn đường ruột của các bệnh nhân đã kháng lại nhóm carbapenem nên họ phải điều trị lâu hơn và rủi ro về sức khỏe lớn hơn”, theo Håkan Hanberger, giáo sư Khoa Lâm sàng và Y học thực nghiệm tại trường đại học Linköping và là cố vấn của Khoa Lây nhiễm lâm sàng tại Bệnh viện trường đại học Linköping.
Có nhiều nguyên nhân giải thích tại sao vi khuẩn đường ruột kháng carbapenem (Carbapenem Resistant Enterobacteriaceae – CRE) lại trở nên nghiêm trọng. Chúng kháng lại gần như tất cả các loại kháng sinh, do đó việc điều trị hiện tượng nhiễm trùng do các vi khuẩn này gây ra trở nên vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, CRE có thể chuyển các gene kháng kháng sinh cho các loại vi khuẩn khác, dẫn đến việc các vi khuẩn này cũng kháng với các loại kháng sinh carbapenem. Các vi khuẩn đường ruột có thể lan truyền một cách dễ dàng và trở thành nguyên nhân gây ra nhiều loại nhiễm trùng, chủ yếu là nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng máu và viêm phổi. Các vi khuẩn đường ruột đa đề kháng này hiện đang lan truyền một cách nhanh chóng trên khắp thế giới, Tổ chức Y tế (WHO) đã ưu tiên việc đo lường và kiểm soát sự lây lan này của CRE lên hàng đầu và phát triển các loại kháng sinh mới để chống lại chúng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển và các bác sỹ Việt Nam (Bệnh viện Saint Paul, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Uông Bí, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM) đã thực hiện trên hơn 2.200 bệnh nhân thuộc 63 tỉnh thành đang được điều trị tại 12 bệnh viện. Các mẫu vật vi khuẩn đường ruột được lấy từ các miếng gạc từ trực tràng của bệnh nhân. Họ nhận thấy, khi một người mang CRE thì họ có thời gian điều trị dài hơn và dễ bị nhiễm một loại bệnh trong thời gian này, vẫn được biết đến với tên gọi “nhiễm trùng bệnh viện”. Chỉ sau 2 tuần nằm viện, 1/8 số bệnh nhân (13%) mang CRE đã tăng lên thành 7/8 bệnh nhân (87%) mang CRE. Một nguy cơ rủi ro khác cho bệnh nhân trong nghiên cứu này là họ đã được điều trị với thuốc carbapenem, góp phần tăng thêm số lượng vi khuẩn kháng thuốc.
Trong một nghiên cứu được thực hiện trước đó với 328 trẻ sơ sinh trong một khu chăm sóc đặc biệt, các nhà nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong có liên hệ chặt chẽ với người mang CRE và hiện tượng nhiễm trùng bệnh viện khi bệnh nhi được đưa vào điều trị tại đây. “Công bố này cho thấy tỷ lệ tử vong trong số những người nhiễm trùng bệnh viên và người mang CRE đã tăng lên 5 lần”, Håkan Hanberger nhận xét.
Theo các nhà nghiên cứu, bệnh dịch vi khuẩn đa đề kháng trong các bệnh viện Việt Nam đang lan truyền với tốc độ nhanh chóng giữa những bệnh nhân đang được điều trị.
“Sự lây lan trên diện rộng của các ví khuẩn CRE cho thấy, cần phải có các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu sự lan truyền của lây nhiễm trong các bệnh viện như vệ sinh chân tay, vô trùng khi phẫu thuật, xử lý ống thông tĩnh mạch hay cách ly bệnh nhân mang vi khuẩn đường ruột đa đề kháng. Bên cạnh đó cần theo dõi bệnh nhân ngay cả khi họ đã xuất viện nhằm giảm thiểu sự lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta làm tất cả điều đó thì cũng mất thời gian để đưa tình trạng lây nhiễm xuống tỷ lệ có thể chấp nhận được”, Håkan Hanberger cho biết như vậy.