Với các startup, việc xác định quyền SHTT đã khó, trong đó, định giá TSTT càng phức tạp hơn… Ảnh: T.BA
(Báo Sài Gòn giải phóng) Tài sản trí tuệ được hiểu là tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ: các ý tưởng, các tác phẩm sáng tạo văn học/nghệ thuật, các công trình khoa học, các sáng chế, phần mềm máy tính… tài sản trí tuệ là một dạng tài sản vô hình.
Tại chương trình “Thẩm định giá tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học”, do Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH-CN phối hợp Sở KH-CN TPHCM vừa tổ chức, cho thấy sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội. Chính những giá trị mà tài sản trí tuệ (TSTT) mang lại là chìa khóa phát triển đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên hiện nay, việc thẩm định TSTT còn rất hạn chế, cần các cơ quan chức năng hỗ trợ cho nhà khoa học.
Nhiêu khê thủ tục pháp lý
TSTT được hiểu là tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ: các ý tưởng, các tác phẩm sáng tạo văn học/nghệ thuật, các công trình khoa học, các sáng chế, phần mềm máy tính… TSTT là một dạng tài sản vô hình. Ngoài các đặc tính chung như dạng tài sản vô hình khác, TSTT lại có đặc tính riêng, đó là tính sáng tạo và đổi mới (đối tượng mới được tạo ra hoặc đối tượng đã có nhưng được bổ sung cái mới).
Ngoài ra, các TSTT thuộc sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật là đối tượng có bản chất khoa học/kỹ thuật, gồm: thông tin – bí quyết kỹ thuật (know-how); các sáng chế, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, bản vẽ, bản thiết kế, công thức, dữ liệu tính toán, dữ liệu thử nghiệm, phần mềm máy tính, cơ sở dữ liệu, công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, đồ án quy hoạch, sơ đồ bố trí/sắp xếp, giống cây trồng…
Vì vậy, theo các chuyên gia, chương trình “Thẩm định giá tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học” là hoạt động giúp các cơ quan quản lý SHTT cùng nhau thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, thách thức và giải pháp để thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực này trong thời gian tới. Tại chương trình, có nhiều ý kiến cho rằng, do những yếu tố đặc thù nên việc thẩm định giá trị TSTT từ đề tài nghiên cứu KH-CN gặp khá nhiều khó khăn. Đối với những người làm nghiên cứu khoa học, những vấn đề về thủ tục pháp lý cũng như mô tả sáng chế chiếm rất nhiều thời gian mà không phải ai cũng có đủ điều kiện để thực hiện. Do đó rất cần các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ nhà khoa học…
Cần sự hỗ trợ của cơ quan thẩm quyền
Hiện có rất nhiều đề tài, dự án KH-CN đã và đang triển khai thực hiện, nhưng những vấn đề liên quan tới quyền SHTT đối với các kết quả nghiên cứu lại chưa được quan tâm một cách đúng mức, chưa thể hiện được hết giá trị của những TSTT. Do đó cần quan tâm tới quyền SHTT nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, việc định giá TSTT được thực hiện bằng 3 phương pháp cơ bản, đó là phương pháp chi phí, phương pháp thị trường và phương pháp thu nhập. Trong đó, cách tiếp cận từ thị trường sẽ xác định giá trị của TSTT căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các TSTT tương tự có giá giao dịch trên thị trường. Cách tiếp cận từ chi phí căn cứ vào chi phí tái tạo ra TSTT, giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế, để tạo ra một TSTT tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành. Còn riêng với cách tiếp cận từ thu nhập sẽ tiến hành xác định giá trị của TSTT thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và chi phí tiết kiệm do TSTT mang lại. Theo phương pháp này, giá trị TSTT là giá trị hiện tại của dòng thu nhập có được từ TSTT trong tương lai với tỷ lệ chiết khấu thích hợp.
Theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, Viện phó Viện Khoa học SHTT, TSTT là yếu tố quyết định lựa chọn “sự đặc biệt” của sản phẩm và dịch vụ bởi người tiêu dùng. Giá trị sử dụng của TSTT chỉ thể hiện khi chúng được “tiêu dùng”, thông qua trao đổi và biểu hiện bằng giá cả. Thẩm định giá TSTT hình thành từ kết quả nghiên cứu KH-CN là trách nhiệm của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý SHTT (Sở KH-CN TPHCM), cho rằng để xác định lợi nhuận tạo ra từ việc sử dụng những kết quả nghiên cứu KH-CN, việc định giá còn cần được thực hiện khi chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, TSTT. SHTT để chỉ quyền của chủ thể bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với loại TSTT.
TSTT là loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó, nhưng lại có giá trị và khả năng sinh ra lợi nhuận. SHTT được chia thành 2 lĩnh vực chủ yếu, gồm: Một là sở hữu công nghiệp dùng để chỉ quyền của chủ thể đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hóa, tên thương mại, bí quyết công nghệ. Hai là bản quyền (quyền tác giả) dùng để chỉ quyền của chủ thể đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Để thẩm định giá quyền SHTT, cần nắm rõ TSTT, song việc định giá TSTT khó khăn và có nhiều khác biệt hơn so với tài sản hữu hình. Trong khi đó, TSTT có một thị trường chuyển nhượng nhưng còn hạn chế, ít người quan tâm nên càng khó tìm ra được giá trị thật của một TSTT. Nhưng việc xác định hay định giá TSTT lại có giá trị rất lớn với các nhà khoa học, nhất là khi sử dụng với mục đích: mua bán, chuyển nhượng, đầu tư và góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp…