(Theo NASATI) – Hưởng ứng ngày Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, trong cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động KH&CN do Bộ KH&CN, các ban, ngành, các tổ chức KH&CN tổ chức. Có thể kể đến những sự kiện tiêu biểu như lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5 trong lĩnh vực quân sự (ngày 17/5), Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 (ngày 18/5), Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam (Vifotec) và Giải thưởng WIPO năm 2016 (ngày 16/5); Khai mạc Triển lãm về Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN và Khai trương Điểm truy cập mở Thông tin KH&CN quốc gia tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia (17/5); các hội thảo, hội nghị, tọa đàm… tại nhiều địa phương.

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5 trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng cho 2 cụm công trình.

Chiều 17/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng với Bộ Quốc phòng tổ chức lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5 trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng cho 2 cụm công trình. Đến dự lễ trao giải thưởng có GS-TS Trần Đại Quang – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước, ông Chu Ngọc Anh – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Phan Xuân Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng cho các tác giả 

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 được Bộ KH&CN triển khai từ tháng 7/2015. Riêng với các nghiên cứu thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc Phòng) đã phối hợp với Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai, tổ chức xét tặng. Cụm công trình về Trường Sa của 33 đồng tác giả và cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan nguyên phát và một số bệnh lý tiêu hóa, gan mật” của GS-TS Mai Hồng Bàng và 18 đồng tác giả thuộc Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 đã đoạt giải đợt này. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: Đây là các công trình có giá trị khoa học cao, lưỡng dụng – vừa được ứng dụng hiệu quả vào sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vừa bảo đảm đời sống, sức khỏe nhân dân”.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Nước nêu rõ: “KH&CN trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng đã đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, qua thực tiễn công tác, chiến đấu, quân đội ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học quân sự thông minh, sáng tạo, dũng cảm, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, cùng với quân, dân cả nước đương đầu và chiến thắng những kẻ thù hung bạo nhất”.

Trao giải Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017

Năm nay, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho hai nhà khoa học: PGS, TS Nguyễn Sum, Trường đại học Quy Nhơn, lĩnh vực Toán học; GS, TS Phan Thanh Sơn Nam, Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, lĩnh vực Hóa học.


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ trao giải Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: KH&CN đã có những bước đổi mới đáng mừng. Những người làm khoa học đã rất cố gắng trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ chế chính sách và cả quan niệm xã hội. Minh chứng cho điều này, Phó thủ tướng dẫn chứng số lượng công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí ISI giai đoạn 2011 – 2016 tăng ở mức gần 20%. Hay theo số liệu thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), số bằng sáng chế được cấp của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 đã tăng liên tục từ 53 (năm 2011) lên đến 88 (năm 2015), tăng 65%.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng lại trăn trở khi so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực vẫn còn khoảng cách lớn. Phó Thủ tướng cho rằng, KH&CN phải là trung tâm, động lực chính cho phát triển kinh tế trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Việt Nam chỉ đi lên được khi KH&CN phát triển. “Tôi chắc chắn nếu KH&CN không phát triển thì đất nước Việt Nam sẽ tụt hậu”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, cần phải khơi dậy phong trào trong các trường đại học để sinh viên trẻ được truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học; cần có hệ sinh thái, cơ chế cần thiết để nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo…

Triển lãm Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 và Khai trương Điểm truy cập mở Thông tin KH&CN quốc gia

Sáng 17/5, tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia diễn ra Lễ khai mạc các sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, bao gồm: Triển lãm Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 và Khai trương Điểm truy cập mở Thông tin KH&CN quốc gia. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia Lê Xuân Định, GS.TSKH Nguyễn Hồng Quang, Nguyên Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam, đại diện các nhà khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 cùng đại diện của các Bộ, ban, ngành, các viện, trường, các nhà khoa học. Điểm chung của cả hai sự kiện này là đều nhằm thông tin, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu và mới nhất cho công chúng, góp phần công khai minh bạch các hoạt động KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước và nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế – xã hội và đời sống.


Cắt băng khai mạc Triển lãm Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN và Khai trương Điểm truy cập mở Thông tin KH&CN quốc gia

Việc khai trương điểm truy cập mở tại tầng 1 tòa nhà 24 Lý Thường Kiệt của Cục Thông tin KH&CN quốc gia sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với nguồn tri thức lớn của thế giới, biết được mình đang ở đâu và biết các nhà khoa học trên thế giới đang làm gì, thông qua các cơ sở dữ liệu KH&CN quốc tế có giá trị như Sciendirect, Springer, IEEE, ISI, Scopus, Proquest, ACS,…

Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC)

Tối 16/05/2017, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) và giải thưởng WIPO năm 2016.

Năm 2016, tham dự Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam có 11 tỉnh, thành phố, 1 bộ và 1 tập đoàn kinh tế với 95 công trình khoa học thuộc các lĩnh vực: Cơ khí – tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Ban tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho 45 công trình, trong đó có 4 giải Nhất, 9 giải Nhì, 15 giải Ba, 17 giải Khuyến khích. Các công trình đạt giải Nhất gồm: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo” của tác giả Đoàn Ngọc Hiệp (Xí nghiệp 23, Nhà máy Z199); “Nghiên cứu, cải tiến nâng cao chất lượng súng chống tăng SCT-9 (SGP-9) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phù hợp với môi trường Việt Nam” của tác giả Cù Đức Lam (Nhà máy Z125); “Chế tạo tàu khách bằng vật liệu mới PPC với 56 chỗ ngồi” của tác giả Nguyễn Kim Sơn (Hà Nội); “Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải chưng cất” của TS Lê Văn Tri (Hà Nội).

Các công trình đoạt giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích là các công trình thuộc 6 lĩnh vực gồm cơ khí – tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin – điện tử – viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã xét và trao Bằng chứng chận, Huy chương Vàng cho 2 công trình xuất sắc nhất trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất và đời sống. Đó là công trình “Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ bã thải chưng cất” của tác giả Lê Văn Tri và các cộng sự Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học và công trình “Chế tạo tàu khách bằng vật liệu mới PPC với 56 chỗ ngồi” của tác giả Nguyễn Kim Sơn và các cộng sự Công ty CP Công nghệ James Boat.

TP.HCM: Tiếp nối tinh thần xây dựng quốc gia khởi nghiệp, lan tỏa và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn cộng đồng và hưởng ứng “Ngày KH&CN Việt Nam”, từ ngày 16/5 đến ngày 18/5, Sở KH&CN TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện chuyên môn đặc biệt, bao gồm các hoạt động hội thảo, tọa đàm, truyền thông… với chủ đề chính “Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp hướng tới cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Các hội thảo, tọa đàm trong chuỗi sự kiện đã thu hút sự tham gia và góp ý chân thành của các nhà quản lý cấp cơ sở, các sở ban ngành trong thành phố cũng các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Sáng 18/5, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức lễ trao Giải thưởng KH&CN lần thứ nhất cho 14 công trình và cụm công trình, được áp dụng và phát huy hiệu quả trong đời sống, trong sản xuất, kinh doanh, phục vụ các lĩnh vực kinh tế – xã hội như công nghiệp dầu khí, cảng biển, du lịch, thủy sản… Nhân dịp này, Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế: Ngày 18/5, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức lễ trao Giải thưởng Cố đô về KH&CN lần thứ ba, năm 2017 cho tám công trình, cụm công trình xuất sắc của các tác giả thuộc năm lĩnh vực: Khoa học y dược (ba công trình); khoa học kỹ thuật (một công trình); khoa học xã hội và nhân văn (một công trình); khoa học tự nhiên (hai công trình) và khoa học nông, lâm, ngư nghiệp (một công trình).

Hà Nôi: Ngày 18/5, tại Hà Nội, Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC) – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức ngày hội “SpaceDay 2017 – Hãy tới để cùng khám phá vũ trụ” với các hoạt động như: Giới thiệu thông tin về các hoạt động phổ biến kiến thức của Trung tâm Vệ tinh quốc gia; bảo tàng vũ trụ; hội thi Cansat; chương trình GLOBE; giới thiệu về ứng dụng công nghệ vệ tinh (định vị, viễn thông, quan sát trái đất và thời tiết)…

Tỉnh Sóc Trăng: Ngày 18/5, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam. Tại buổi lễ đã diễn ra nhiều hoạt động như: trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghệ, thiết bị; tọa đàm giới thiệu một số công nghệ, kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong chế biến, thu hoạch, bảo quản nông sản; hội thảo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm phát triển thị trường công nghệ…