(Báo Khoa học và phát triển)- Năm 2009, Việt Nam trở thành một trong chín quốc gia đầu tiên được lựa chọn thí điểm Chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng REDD+. Ở giai đoạn này, sự phát triển của REDD+ dường như phụ thuộc nhiều vào vai trò của các tổ chức xã hội dân sự và công nghệ.

Năm 2009, Việt Nam trở thành một trong chín quốc gia đầu tiên được lựa chọn thí điểm Chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng REDD+ của Liên hợp quốc và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên nhận được phê duyệt cho Đề xuất Sẵn sàng thực hiện REDD+ (R-PIN) thuộc Quỹ đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới (WB).

Cuối năm 2018, Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới (sau Mexico) và là quốc gia đầu tiên của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được công nhận đủ điều kiện để có thể nhận được các khoản chi trả dựa trên kết quả từ REDD+, đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.

Tại buổi tổng kết 10 năm nhìn lại về tiến trình thực hiện REDD+ tại Việt Nam, có nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều, cả trong nước và quốc tế. Có những hoài nghi rằng liệu REDD+ sẽ tiếp tục phát triển mạnh hay sẽ thất bại. Không có một câu trả lời rõ ràng về tương lai REDD ở Việt Nam, tuy nhiên, các đại biểu đã đưa ra nhiều luận điểm góp ý cho việc thực hiện REDD+.

Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự

Tại Việt Nam, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình REDD+ được ghi nhận trong Kế hoạch hành động quốc gia về REDD (NRAP) với chức năng tham gia và giám sát. Trong thời gian qua, các chương trình UN-REDD Việt Nam và Chương trình giảm phát thải khu vực Bắc Trung Bộ (ERPD) đã có sự tham gia hoặc song hành của các tổ chức xã hội dân sự và người dân tộc thiểu số, tuy nhiên, còn rất hạn chế cả về số lượng và mức độ tham gia.

Theo khảo sát của TS Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài nguyên (CORENAM), đối với các tổ chức và cá nhân ngoài nhà nước liên quan đến thực hiện REDD+ tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình REDD+ chủ yếu thể hiện ở 3 khía cạnh: hỗ trợ các bên liên quan thực hiện REDD+, giám sát độc lập việc thực hiện REDD+, kết nối chính sách và các

 

công cụ/sáng kiến vào thực tiễn. Giám sát REDD+ đến nay còn yếu, do tính chất công việc này khá phức tạp và đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên. Nhưng một số khảo sát thực hiện trong thời gian qua mới chỉ dừng ở việc hỏi người dân nhận được bao nhiêu tiền rồi và đánh giá thành công của REDD+ mà chưa chú trọng đánh giá toàn diện, chưa xác định rừng được bảo vệ ra sao. Như vậy chưa thể gọi thực sự là giám sát.

Theo tóm tắt Một số ghi nhận và khuyến nghị từ Hội thảo “Thực hiện REDD+ tại Việt Nam:10 năm nhìn lại và định hướng tương lai”, hiện còn một khoảng trống khá lớn về hiểu biết và vận dụng các khái niệm liên quan đến REDD+ trong các tổ chức xã hội dân sự. Các tổ chức này gặp nhiều rào cản do thiếu nguồn nhân lực có trình độ và năng lực phù hợp, thiếu nguồn lực tài chính để thu hút nhân lực và duy trì các hoạt động, chưa có chính sách khuyến khích sự tham gia, khó khăn khi làm việc với địa phương xin giấy phép triển khai thực hiện dự án…

Thảo luận về cơ hội nhận tài trợ cho các tổ chức xã hội dân sự về chủ đề REDD+ tại buổi tổng kết 10 năm thực hiện REDD+ ở Việt Nam vào tháng trước, một số ý kiến cho rằng cơ hội tài chính về REDD+ cho các tổ chức xã hội dân sự không nhiều, các tổ chức khá khó khăn tìm nguồn hoạt động về REDD+. Quỹ khí hậu xanh, cơ chế đa phương vốn được coi là nguồn tài trợ lớn nhất hiện nay về REDD+, cũng đặt ra những yêu cầu rất cao, chỉ các tổ chức NGO quốc tế và các tổ chức phát triển lớn như UNDP, Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) mới có thể tiếp cận.

Mặc dù vậy, một số ý kiến lạc quan hơn, cho rằng có một số cơ hội hỗ trợ song phương các tổ chức nên khai thác, Campuchia hiện có dự án theo phương thức này triển khai tại tỉnh Modulkiri. Đại diện UNPD Việt Nam cho rằng các dự án có tài trợ quốc tế luôn có các hợp phần hợp tác dưới dạng dịch vụ, giám sát hay triển khai. Với các dự án của Liên hợp quốc, họ không thể đủ nhân sự để làm trực tiếp với cộng đồng, ngoài hỗ trợ chính sách, thực thi pháp luật bao giờ cũng có phần nâng cao năng lực của cộng đồng, đây vẫn là hợp phần mà các tổ chức có thể tham gia vào.

Công nghệ vào cuộc quản trị rừng

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Huế là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư cho công tác kiểm tra giám sát Phân bổ tiền chi trả từ Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES). Bộ công cụ giám sát đánh giá gồm các báo cáo thống kê, sử dụng công nghệ viễn thám GIS và các bộ chỉ số.

Mục đích nhằm theo dõi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và các chủ rừng là tổ chức nhà nước, cộng đồng, nhóm hộ trên địa bàn tỉnh Thừa thiên Huế.

Được biết, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Huế đang phải quản lý một diện tích PFES lớn gần 160.000ha (>55% diện tích rừng toàn tỉnh) trên địa bàn trải rộng 45 xã vùng sâu, với 519 chủ rừng (trong đó 506 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình).

Ưu điểm của việc áp dụng thiết bị di động giám sát PFES là dễ thực hiện, chi phí thấp, có thể áp dụng trong điều kiện rừng núi khó khăn, đồng thời thuận tiện hơn cho công tác quản lý cơ sở dữ liệu và có thể hỗ trợ việc tra cứu bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc sử dụng hệ thống này giúp cung cấp cho các bên, đặc biệt là các đối tác chi trả PFES (các nhà máy thủy điện, nước sạch…) bằng chứng cho thấy rừng đã được bảo vệ ra sao. Mô hình này đã được chia sẻ với nhiều tỉnh thành khác nhau, hiện đã được triển khai mở rộng tại Quảng Nam.

 

Bên cạnh việc áp dụng Mobile Apps giám sát PFES được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Huế giới thiệu, đại diện Chương trình UNREDD+ cũng giới thiệu hệ thống Terra

– một sáng kiến quan trọng khác trong việc giám sát, quản lý và bảo vệ rừng, hiện đang thí điểm để có thể đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ mất rừng. UNREDD đang làm thí điểm hệ thống Terra-i cùng với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT).

Terra-i dùng ảnh vệ tinh với chu kỳ 2 tuần/lần, báo cáo chụp lại hiện trạng khu vực và cho biết sự biến đổi thảm thực vật rừng ở khu vực giám sát, đồng thời đặt ra các cấp  độ cảnh báo mất rừng: cao – trung bình – thấp. Hệ thống này cho phép theo dõi với độ cự ly 10m, hay nói cách khác có thể phát hiện mất rừng trong phạm vi 100m2. Sau thời gian vận hành 1,5 năm ở Di Linh với những kết quả khả quan, hệ thống chưa lần nào cảnh báo nhầm (đã có kiểm chứng). Ưu điểm khác nữa của Terra-i là hệ thống hoàn toàn miễn phí, chỉ mất chi phí để vào số liệu ban đầu. Kế hoạch đến năm 2020, chương trình sẽ thử nghiệm thêm 3 huyện nữa ở Tây Nguyên.

Với việc UNDP tái khởi động dự án ở Tây Nguyên vào năm 2020, tham vọng đặt ra là sẽ kết nối được dữ liệu này với sản xuất nông nghiệp, nắm rõ vị vi phạm lấn rừng đến từng hộ gia đình, đồng thời truy cứu trách nhiệm và đưa hộ sản xuất đó ra khỏi chuỗi cung ứng. Yếu tố công nghệ cho phép sự giám sát kịp thời và chính xác.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia quản lý bảo vệ rừng và REDD+

Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM) – một tổ chức NGO đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ người dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậuvà thúc đẩy quyền, công bằng và vì người nghèo trong REDD+ – chia sẻ một số kinh nghiệm rút ra từ các dự án đã triển khai tại Thanh Hóa:

  1. Nâng cao nhận thức không chỉ cần đối với người dân mà cả cán bộ địa phương về chủ đề REDD+, biến đổi khí hậu, Tài nguyên thiên nhiên, quyền của người dân và vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số;
  2. Tri thức bản địa, luật tục, thực hành truyền thống trong quản lí rừng, tài nguyên thiên nhiên cần được nhìn nhận đúng đắn và tạo điều kiện thực hành;
  • Sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số gắn với giao đất giao rừng. Những nhu cầu nhỏ nhưng cấp bách của người dân cũng cần được lưu ý giải quyết;
  1. Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số phải được nhìn nhận đúng và tạo điều kiện để phụ nữ tham gia REDD+ và bảo vệ rừng;
  2. Đối thoại dân chủ để giải quyết mọi mâu thuẫn về rừng;
  3. Tạo các mạng lưới để người dân tham gia bảo vệ rừng (liên kết các tổ bảo vệ rừng), tham gia hiệu quả vào các hoạt động REDD+;
  • Thiện chí và sự ủng hộ của các cơ quan hoạch định chính sách và chính quyền rất quan trọng, đảm bảo tiếng nói của người dân được lắng nghe;
  • NGO cần tiếp tục vai trò thúc đẩy, đáp ứng các sáng kiến và nhu cầu của người dân.