Cắt băng khánh thành hệ thống radar và phòng máy tính hiệu năng cao trong khuôn khổ hội thảo tổng kết dự án. Nguồn: CEFD
(Báo Khoa học và phát triển) Việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn – môi trường biển và đới ven bờ sẽ bảo đảm nguồn dữ liệu có độ phân giải cao, phục vụ các nghiên cứu và hoạt động kinh tế biển.
Trong hội thảo tổng kết dự án “Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn – môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao phục vụ khai thác bền vững tài nguyên biển và giảm thiểu rủi ro thiên tai” vào ngày 30/8, PGS.TS Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD), trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đồng thời là Chủ nhiệm dự án cho biết, hiện nay, dữ liệu khí tượng hải văn ở Việt Nam còn ở mức phân giải thấp, rời rạc và thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong công tác dự báo và xử lý các bài toán về khí tượng, thủy văn và hải dương. Nguyên nhân là các hệ thống quan trắc trong nước hiện nay chưa đáp ứng được về cả số lượng và chất lượng: dọc theo 3.000 km bờ biển, chỉ có 17 trạm hải văn của Tổng Cục khí tượng thủy văn và “phần lớn các trạm chỉ đo ở mức phổ thông”, ông cho biết.
Xuất phát từ thực tế này, PGS.TS. Trần Ngọc Anh cùng nhóm nghiên cứu đã nộp đề xuất và nhận được tài trợ của Dự án FIRST. Sau 2 năm triển khai (từ tháng 6/2017- 9/2019) với tổng mức kinh phí 45,3 tỷ đồng, trong đó phần vốn đối ứng của CEFD là 3 tỷ đồng, đề tài đã hoàn thành các mục tiêu chính là nâng cấp hệ thống quan trắc, mô phỏng, dự báo các điều kiện khí tượng hải văn và nâng cao năng lực cho các nhà nghiên cứu ở CEFD.
Về phần cứng, trung tâm đã được trang bị hệ thống radar di động ven bờ quan trắc sóng và dòng chảy biển độ phân giải cao (300mx300m) với tầm quét từ 30-200 km, “đây là hệ thống tiên tiến và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á cho đến thời điểm này”, PGS.TS. Trần Ngọc Anh cho biết. Hệ thống còn đi kèm các thiết bị quan trắc theo điểm và theo mặt cắt các yếu tố thủy động lực và môi trường biển, giúp tăng cường số liệu ven bờ có độ phân giải cao.
Để xử lý các dữ liệu thu được, Dự án cũng tài trợ một hệ thống máy tính hiệu năng cao, có tổng năng lực tính toán khoảng 25 Teraflop, được xem là hệ thống mạnh nhất trong các đơn vị nghiên cứu về Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (chỉ đứng sau hệ thống đã được World Bank đầu tư tại Tổng cục Khí tượng thủy văn). Hệ thống này cho phép triển khai hệ thống mô hình tích hợp cung cấp các trường số liệu thời gian thực và dữ liệu lịch sử, phục vụ công tác phân tích và dự báo trường sóng và dòng chảy ven bờ, cảnh báo sớm thiên tai ở vùng ven biển Việt Nam. Hiện nay, hệ thống này đang được sử dụng để chạy các mô hình mô phỏng với độ phân giải cao theo chế độ nghiệp vụ, trong đó có mô hình dòng chảy, nhiệt muối và môi trường nước 3 chiều (ROMS). Để việc tiếp nhận và ứng dụng đạt hiệu quả, CEFD đã hợp tác với Đại học Rutger (Hoa Kỳ) – đơn vị đã phát triển mô hình ROMS và làm việc trực tiếp với các tác giả của mô hình này.
Toàn bộ thiết bị này đã được bàn giao từ cuối năm 2017 và được đào tạo sử dụng trực tiếp ở hiện trường. Các hệ thống này đã được thử nghiệm ở khu vực Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu và “đều phát huy hiệu quả rất tốt”, PGS.TS. Trần Ngọc Anh cho biết. Không chỉ làm chủ về công nghệ quan trắc và mô phỏng, dự báo các điều kiện khí tượng hải văn, đề tài còn giúp nâng cao năng lực cho các nhà nghiên cứu với 2 cán bộ được đào tạo về mô hình thủy động lực ở Đại học Rutger (Hoa Kỳ); hỗ trợ đào tạo cho 4 học viên cao học về xử lý số liệu quan trắc sóng và dòng chảy; hỗ trợ số liệu và công cụ nghiên cứu cho 2 nghiên cứu sinh đang thực hiện luận án Tiến sĩ. Hiện nay, nhóm dự án đã có 5 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và 2 bài báo sắp được đăng trên các tạp chí quốc tế (Tạp chí Geoscience và tạp chí Water).
Đánh giá về kết quả thực hiện dự án, ông Dilip Parajuli, đại diện World Bank, cho rằng, sau khi kết thúc vào tháng 12, dự án sẽ có nhiều sản phẩm đầu ra. Các sản phẩm này không chỉ phục vụ cho nghiên cứu, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt có thể hỗ trợ dự báo tốt hơn cho người nông dân.