Thông qua áp dụng một phương pháp mới sử dụng enzym để điều chỉnh nitơ trên toàn cầu, các nhà sinh học phân tử tại Trường Đại học California đã phát hiện ra cách chuyển đổi CO2 thành CO phù hợp cho các ứng dụng thương mại như tổng hợp nhiên liệu sinh học.
Nhóm nghiên cứu đã biểu hiện thành công thành phần reductase của enzym nitrogenase trong vi khuẩn Azotobacter vinelandii và sử dụng trực tiếp vi khuẩn này để chuyển đổi CO2 thành CO. Môi trường nội bào của vi khuẩn đã được chứng minh có lợi cho việc chuyển đổi CO2 theo hướng phát triển các chiến lược sản xuất CO trên quy mô lớn trong tương lai. Đây là phát hiện đáng ngạc nhiên vì nitrogenase bên trong vi khuẩn trước đây chỉ được cho là có khả năng chuyển đổi N2 thành NH3trong những điều kiện tương tự. Nghiên cứu đã được công bố trực tuyến trên tạp chí Nature Chemical Biology.
Các nhà khoa học đã biết rằng môi trường nội bào của vi khuẩn Azotobacter vinelandii ưu tiên các phản ứng khử khác, một phần là do các cơ chế bảo vệ oxy đã được biết đến và sự hiện diện của các chất cho điện tử. Nhưng nhóm nghiên cứu không chắc liệu môi trường nội bào có hỗ trợ việc chuyển đổi CO2 thành CO hay không.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng vi khuẩn Azotobacter vinelandii có thể khử CO2 và giải phóng CO, làm cho nó trở thành một hệ thống hấp dẫn, có thể được nghiên cứu để tìm ra các phương thức mới tái chế CO2trong khí quyển thành nhiên liệu sinh học và các sản phẩm hóa chất thương mại khác. Phát hiện nghiên cứu xác định enzym nitrogenase như một khuôn mẫu để cho ra đời các phương thức sản xuất nhiên liệu với hiệu quả năng lượng và thân thiện với môi trường.
Yilin Hu, Phó Giáo sư về sinh học phân tử & hóa sinh và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã quan sát thấy vi khuẩn chuyển đổi CO2 thành CO, mở ra những hướng mới để đưa phản ứng này vào quy trình tái chế hiệu quả khí nhà kính thành nguyên liệu tổng hợp nhiên liệu sinh học. Như vậy, chúng ta sẽ đồng thời chống hai thách thức lớn mà hiện chúng ta đang phải đối mặt, đó là tình trạng nóng lên toàn cầu và thiếu năng lượng”
N.P.D (NASATI), Theo https://www.sciencedaily.com/releases/2016/12/161222191602.htm, 22/12/2016