Sơn và chất phủ là những sản phẩm xuất hiện rất lâu đời trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Đây là những sản phẩm không thể thiếu trong bất kỳ mô hình kinh tế – xã hội hay quốc gia nào. Vai trò của sơn và giá trị đích thực của lớp sơn phủ là làm đẹp và bảo vệ. Chỉ cần một lớp sơn mỏng khoảng vài phần trăm milimet là có thể ngăn ngừa được sự xuống cấp của các công trình như bị rỉ sét, ăn mòn từ hóa chất, nhiệt độ, tia tử ngoại, ẩm ướt, nấm mốc, vi khuẩn,…trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, rất nhiều loại sơn đã sử dụng các hợp chất chì cho màu sắc tươi, sáng của nó. Ngoài ra chì được thêm vào sơn để tăng tốc độ làm khô, tăng độ bền, độ bóng và khả năng cao chống lại độ ẩm, một nguyên nhân gây ăn mòn. Chì là một trong sáu kim loại nặng đặc biệt nguy hại mà cả thế giới đang nỗ lực loại bỏ sự hiện diện của chúng trong các sản phẩm gia dụng. Chì mang độc tố và đặc biệt có hại cho trẻ em bởi có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho trí não đang phát triển của trẻ.
Từ những năm 1970-1980, ở các nước công nghiệp phát triển đã không qua những đạo luật và quy định về việc sử dụng chì trong sơn. Phần lớn các quy định là cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh hoặc sử dụng các loại sơn trang trí được dùng trong trang trí nội, ngoại thất nhà, sử dụng trong trường học hoặc các trung tâm thương mại, Tuy nhiên đối với các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển tiếp mà ở đó sự quản lý hóa chất còn yếu thì hầu như không có văn bản quy phạm nào cấm chì trong sơn hay các ứng dụng liên qua đến sơn vì vậy các nhà sản xuất vì lợi nhuận mà vẫn duy trì sử dụng chì thay vì dùng các sản phẩm sơn không độc hại hay các biện pháp thay thế khác.
- Việt Nam cũng chưa có những tiêu chuẩn hay quy định cụ thể về ngưỡng nồng độ chì trong sơn hay có sự kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan chức năng về việc sử chì trong sơn. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, nhằm đáp ứng mục tiêu tiếp cận chiến lược của quản lý hóa chất (SAICM) trên thế giới hiện nay là nỗ lực giảm dần, tiến đến loại bỏ hoàn toàn chì trong sơn vào năm 2020. Cục Hóa chất là cơ quan chủ trì đề tài đã cùng hợp tác nghiên cứu với TS. Nguyễn Thị Hồng Hà thực hiện đề tài “Nghiên
cứu xây dựng biện pháp quản lý sử dụng chì và an toàn hóa chất trong sản xuất sơn ở Việt Nam”.
Sau một năm tiến hành nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Điều tra khảo sát hiện trạng thực tế và thu thập ý kiến, đề xuất của 40 doanh nghiệp sản xuất sơn điển hình trên địa bàn phía Nam. Đánh giá được thực trạng của việc sử dụng chì và vấn đề an toàn hóa chất trong sản xuất sơn ở Việt Nam, cụ thể như sau: Khảo sát thực trạng quy trình công nghệ sản xuất sơn và nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sơn; Khảo sát hàm lượng trong các mẫu sơn (60 mẫu); Khảo sát thực tế công tác đảm bảo an toàn trong sản xuất sơn, cụ thể trong điều kiện PCCC – Nhà xưởng, kho bãi – Trang thiết bị ATLD – Điều kiện vận chuyển – Hệ thống xử lý chất thải – Đào tạo
ATHC
- Đánh giá tác động của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành trong việc quản lý sử dụng chì và đảm bảo an toàn hóa chất trong sản xuất sơn ở Việt Nam
- Đề xuất các giải pháp kỹ thuật và pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả an toàn hóa chất trong ngành sản xuất, kinh doanh sơn tiến tới mục tiêu loại bỏ hoàn toàn chì trong sơn trên thị trường Việt Nam, cụ thể như sau: 1 giải pháp kỹ thuật cho việc hạn chế và loại bỏ chì trong sơn: Thay thế các bột màu chứa kim loại chì (chì oxit: PbO; Pb304) và crom bằng các bột màu hữu cơ; Thay thế phụ gia làm bền màu, phụ gia tạo độ bóng, nhanh khô sơn từ chì octanate, chì stearate thành zirconium octanate,…; 2 giải pháp kỹ thuật cho việc sản xuất sơn vạch và xanh; 2 giải pháp pháp lý: xây dựng văn bản quy phạm (thông tư) hướng dẫn các quy định cho ngành sơn cùng các đề xuất các nội dung liên quan các vấn đề sau: Kiểm soát hàm lượng chì trong sơn; kiểm soát nhập khẩu và việc sử dụng các loại nguyên liệu có chứa chì; kiểm soát việc nhập khẩu sơn thành phẩm; kiểm soát các điều kiện an toàn hóa chất trong khâu vận chuyển, lưu trữ và sản xuất sơn; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm riêng cho chất lượng các loại sơn; lộ trình các loại bỏ các nguyên liệu chứa chì. Nâng cao nhận thức cộng đồng, soạn thảo sổ tay hướng dẫn: Nâng cao nhận thức của con người về tác hại của sơn có chứa chì và cách phòng tránh nhiễm độc chì.
Cuối cùng đề tài đã tạo ra được một cơ sở dữ liệu thực tế ban đầu phục vụ cho ngành sơn: danh mục các công ty sản xuất sơn khu vực phía nam; danh mục nguyên liệu cơ bản trong ngành sơn.
Có thể tìm đọc toàn văn nội dung đề tài với mã số 10884 tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
Đ.T.V. (NASATI)