Bộ Công Thương vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất methyl-ß-cyclodextrin (M-ß-CD) từ tinh bột sắn làm phụ gia thế hệ mới cho ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng”, do Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu (Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam) chủ trì thực hiện.
Một trong những sản phẩm chuyển hóa từ tinh bột sắn có giá trị gia tăng cao phải kể đến các dẫn xuất của cyclodextrin (CD). Hiện chưa có công trình nào nghiên cứu công nghệ chế biến sâu tinh bột sắn thành M-ß-CD – một loại tá dược thế hệ mới, từ quy mô phòng thí nghiệm đến quy mô bán công nghiệp.
“Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, nguồn nguyên liệu tinh bột sắn dồi dào, có thể trở thành lợi thế cho sản xuất ß-CD. Từ sản phẩm này, có thể triển khai nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới M-ß-CD có giá trị kinh tế cao, bởi các ứng dụng tiềm năng trong sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng” – Tiến sĩ Phạm Thị Nam Bình khẳng định.
Đến nay, nhóm nghiên cứu đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị quy mô bán công nghiệp (260 kg nguyên liệu/mẻ) sản xuất M-ß-CD có độ tinh khiết cao đến >_ 99%; đồng thời, sản xuất được 101,7 kg M-ß-CD đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, vượt yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng so với đăng ký. Từ nguyên liệu thu được, nhóm thực hiện đề tài đã sản xuất 50.000 viên nang thực phẩm chức năng CoQ10 chứa tá dược tan M-ß-CD và 1.000 lọ (50 ml/lọ) kem dưỡng da chứa CoQ10 – M-ß-CD để làm đẹp da, chậm quá trình lão hóa và tăng cường sức khỏe.
Việc triển khai đề tài đã góp phần phát triển ngành công nghệ sinh học của Việt Nam thông qua nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học, phát huy được sự phối hợp liên ngành công nghệ sinh học, hóa học, y, dược, nhằm thực hiện thành công mục tiêu của chương trình công nghệ sinh học quốc gia.
Đặc biệt, việc ứng dụng kết quả đề tài trong triển khai sản xuất công nghiệp góp phần tạo việc làm cho người lao động, tạo sản phẩm công nghiệp mới, tăng thu thuế cho nhà nước; nâng giá trị gia tăng nguồn sản phẩm nông nghiệp tinh bột sắn ở nước ta. “Việc tận dụng nguồn nguyên liệu tinh bột sắn sẵn có, đồng thời áp dụng công nghệ sản xuất hiệu quả, sản phẩm M-ß-CD của đề tài giúp sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tiến hành sản xuất, nhằm thương mại hóa sản phẩm” – TS. Phạm Thị Nam Bình cho hay.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu đề tài, cơ quan chủ trì đề tài với sự hợp tác của các đơn vị tham gia đã thực hiện một khối lượng lớn công việc nghiên cứu tổng hợp, sản xuất, đánh giá tính chất, thử nghiệm hoạt tính sinh khả dụng. Các kết quả thu được có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn, đáp ứng đầy đủ mục tiêu đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Nhóm nghiên cứu đề nghị, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ các nguồn lực để cơ quan chủ trì đề tài phát huy kinh nghiệm và thế mạnh trong hướng nghiên cứu, triển khai công nghệ sản xuất M-ß-CD, mang lại hiệu quả cao cho kinh tế – xã hội và môi trường.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện nghiên cứu một cách bài bản, có hệ thống và toàn diện công nghệ chế biến sâu tinh bột sắn thành M-ß-CD từ quy mô phòng thí nghiệm đến quy mô bán công nghiệp, mang lại giá trị gia tăng cao cho nguồn tinh bột sắn sẵn có. |
Nguồn: Quỳnh Nga – congthuong.vn