Các nhà khoa học tại Trường Đại học Cambridge đã sử dụng một kỹ thuật để nuôi cấy các cơ quan của ống dẫn mật (ống dẫn mật mini) trong phòng thí nghiệm. Nghiên cứu cho thấy cơ quan này có thể dùng để chữa trị cho các bệnh nhân có lá gan bị hư tổn nặng. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng trên người.
Nghiên cứu này mở đường cho những phương pháp điều trị các bệnh về gan. Nói cách khác, việc phát triển các ‘ống dẫn mật mini’ trong phòng thí nghiệm như là một bộ phận thay thế để phục hồi sức khỏe lá gan của chính bệnh nhân hoặc để hồi phục lại lá gan của người hiến tặng.
Các ống dẫn mật đóng vai trò như một hệ thống xử lý chất thải của gan. Các bệnh liên quan đến ống dẫn mật bị tổn thương thường chiếm khoảng 1/3 ca ghép gan của người lớn và 70% ở trẻ em mà không có phương pháp điều trị thay thế nào. Hiện tại, số người hiến tặng gan ngày càng hiếm. Theo Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), thời gian chờ đợi trung bình để thực hiện một ca ghép gan ở Anh là 135 ngày đối với người lớn và 73 ngày đối với trẻ em. Điều này có nghĩa là chỉ một số ít bệnh nhân có thể được hưởng lợi từ liệu pháp này.
Thực tế cho thấy, cần có giải pháp để tăng cường sự sẵn có của các bộ phận thay thế hoặc cung cấp một giải pháp thay thế cho việc cấy ghép gan. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science mới đây, các nhà khoa học tại Trường Đại học Cambridge đã phát triển được một phương pháp mới, trong đó tận dụng ‘hệ thống truyền dịch’ dùng để duy trì các cơ quan hiến tặng. Khi áp dụng công nghệ này, lần đầu tiên họ đã chứng minh được rằng, có thể cấy ghép các tế bào mật được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm – còn gọi là tế bào đường mật – vào lá gan của người bị hư gan để làm lành gan. Để chứng minh phương pháp của mình, họ đã tiến hành chữa lại những lá gan không phù hợp để cấy ghép do bị tổn thương ống mật. Cách tiếp cận này cho thấy có thể áp dụng cho nhiều bộ phận và các bệnh khác nhau để đẩy nhanh việc ứng dụng lâm sàng liệu pháp dựa trên tế bào.
Tiến sĩ Fotios Sampaziotis, Viện Tế bào gốc Wellcome-MRC Cambridge cho biết: “Do tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng kéo dài, cần phải tính toán cách “phục hồi” các cơ quan bị hư tổn, hoặc thậm chí phải cung cấp được các giải pháp thay thế cho việc cấy ghép nội tạng. Chúng tôi đã áp dụng cấy ghép các cơ quan trong vài năm qua để hiểu rõ quá trình sinh học và bệnh tật hoặc khả năng tái sinh của chúng ở động vật nhỏ, nhưng chúng tôi luôn hy vọng có thể sử dụng chúng để chữa các mô bị tổn thương ở người. Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên cho thấy điều này có tính khả thi”.
Các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy tế bào túi mật dưới dạng 3D (organoids) trong phòng thí nghiệm. Organoids là các cụm tế bào có thể phát triển và sinh sôi trong môi trường nuôi cấy, sử dụng cấu trúc 3D có cùng cấu trúc mô, chức năng và biểu hiện gen, chức năng di truyền như một phần của bộ phận đang được nghiên cứu. Sau đó, họ ghép thử nghiệm các cơ quan này vào trong túi mật trên chuột và phát hiện ra rằng chúng thực sự có thể chữa lại các ống dẫn bị hư tổn, mở ra con đường mới cho các ứng dụng y học tái tạo.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật này trên gan người hiến tặng, có sử dụng “hệ thống truyền dịch”. Họ đã tiêm các organoids túi mật vào gan người và lần đầu tiên thấy rằng các organoids được cấy ghép này đã chữa các ống dẫn của gan và phục hồi chức năng của gan.
Giáo sư Ludovic Vallier, Viện Tế bào gốc Wellcome-MRC Cambridge, đồng tác giả chính, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể chứng minh rằng gan người có thể được tăng cường hoặc chữa bằng cách sử dụng các tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, còn nhiều việc phải làm để kiểm tra tính an toàn và khả năng tồn tại của phương pháp này, nhưng hy vọng chúng tôi sẽ có thể chuyển phương pháp này vào các phòng khám điều trị trong những năm tới”.
Anh Phương (CESTI) – Theo MedicalXpress