Các nhà nghiên cứu ở Anh và Ả Rập Xê Út đã phối hợp tìm ra phương pháp sản xuất nhiên liệu phản lực thông qua sử dụng CO2 làm thành phần chính. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Để giảm lượng khí CO2 thải vào khí quyển, các nhà khoa học tập trung nhiều vào một số ngành kinh doanh, trong đó có ngành hàng không tạo ra khoảng 12% phát thải CO2 từ hoạt động vận tải. Việc cắt giảm khí thải cacbon đã được chứng minh gặp nhiều thách thức do khó lắp đặt pin nặng bên trong máy bay. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phát triển một quy trình hóa học để sản xuất nhiên liệu phản lực không thải cacbon.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng quy trình gọi là phương pháp đốt hữu cơ để chuyển đổi CO2 trong không khí thành nhiên liệu phản lực và các sản phẩm khác. Quy trình sử dụng chất xúc tác sắt (có thêm kali và mangan) cùng với hydro, axit xitric và CO2 được làm nóng đến 350oC. Cụ thể, các nguyên tử cacbon bị đẩy tách rời các nguyên tử oxy trong phân tử CO2, sau đó liên kết với các nguyên tử hydro tạo thành loại phân tử hydrocacbon (bao gồm nhiên liệu phản lực lỏng), cùng với các phân tử nước và nhiều sản phẩm khác.
Thử nghiệm cho thấy trong hơn 20 giờ, quá trình này đã chuyển đổi 38% lượng CO2 trong buồng điều áp thành nhiên liệu phản lực và các sản phẩm khác. Nhiên liệu phản lực chiếm 48% số sản phẩm được tạo ra, còn lại là nước, propylen và etylen. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng sử dụng nhiên liệu phản lực trong máy bay sẽ không thải ra cacbon vì nhiên liệu khi đốt cháy sẽ giải phóng lượng CO2 tương tự như mức được sử dụng để sản xuất nhiên liệu.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định quy trình mới tiết kiệm hơn so với các phương pháp khác sản xuất nhiên liệu cho máy bay như phương pháp chuyển đổi hydro và nước thành nhiên liệu, chủ yếu vì quy trình này sử dụng ít điện năng. Bên cạnh đó, hệ thống chuyển đổi có thể được lắp đặt trong các nhà máy hiện đang thải ra nhiều CO2 như nhà máy nhiệt điện than.
N.P.D (NASATI), theo https://phys.org/news/2020-12-jet-fuel-carbon-dioxide.html,