Cộng đồng khoa học trong và ngoài nước đã chỉ rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong nông nghiệp ở Việt Nam là từ trồng trọt và chăn nuôi. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO), chất thải của gia súc toàn cầu tạo ra 65% lượng Nitơ oxit (N2O) trong khí quyển. Đây là loại khí có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời cao gấp 296 lần so với khí CO2. Cùng với các loại khí khác như CO2, CH4… gây nên hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2016 tổng số trang trại chăn nuôi của cả nước là 20.869 trang trại, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh và thành phố như Hà Nội (3.189), Hưng Yên (648), Vĩnh Phúc (1.007), Tây Nguyên (4.041), Thái Nguyên (800), Đồng Nai (3.811) và Bình Dương (901). Đàn lợn nước ta có khoảng 29,1 triệu con, đàn trâu bò khoảng 8 triệu con, đàn gia cầm khoảng 361,7 triệu con. Trong đó chăn nuôi nông hộ hiện tại vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 65-70% về số lượng và sản lượng. Từ số đầu gia súc, gia cầm đó quy đổi được lượng chất thải rắn (phân chất độn chuồng, các loại thức ăn thừa hoặc rơi vãi) mà đàn gia súc, gia cầm thải ra khoảng trên 86 triệu tấn, và khoảng trên 57 triệu khối chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, bãi chăn). Phân của vật nuôi chứa nhiều chất chứa nitơ, phốt pho, kẽm, đồng, chì, Asen, Niken (kim loại nặng)… và các vi sinh vật gây hại khác không những gây ô nhiễm không khí mà còn làm ô nhiễm đất, làm rối loạn độ phì đất, mặt nước mà cả nguồn nước ngầm.

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường còn có thể xảy ra trong quá trình giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật; Quá trình sinh sống của gia súc, gia cầm ngoài thải ra chất thải nói trên thì còn bài thải các loại khi hình thành từ quá trình hô hấp của vật nuôi và thải ra các loại mầm bệnh, ký sinh trùng, các vi sinh vật có thể gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái như: E. Coli, Salmonella, Streptococcus fecalis, Enterobacteriae…

Chăn nuôi phát triển có thể cũng sẽ tạo ra những rủi ro cho môi trường sinh thái và là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên nếu vấn đề môi trường chăn nuôi không được quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế-xã hội ở nước ta hiện nay phát triển chăn nuôi sẽ vẫn là sinh kế quan trọng của nhiều triệu nông dân, cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho con người, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho hầu hết người lao động. Nếu các chất thải chăn nuôi đặc biệt là phân chuồng không được xử lý hiệu quả sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khoẻ của cộng đồng dân cư trước mắt cũng như lâu dài. Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái.

Ngành chăn nuôi nước ta chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ, năng suất thấp, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, sử dụng chất cấm và dư thừa kháng sinh trong chăn nuôi, và môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với việc mở rộng cam kết sang lĩnh vực môi trường, các vấn đề về quản lý môi trường trong chăn nuôi đang trở thành vấn đề cấp thiết, cần phải được nghiên cứu nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý môi trường trong ngành chăn nuôi. Chính vì vậy, các vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý môi trường ngành chăn nuôi là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, đề tài “Quản lý môi trường trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do Cơ quan chủ trì Viện Địa lý Nhân Văn cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Kim Dung thực hiện với mục tiêu: Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý môi trường trong ngành chăn nuôi trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chăn nuôi là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất ở Việt Nam trong những năm qua, đóng góp khoảng 27% giá trị sản xuất nông nghiệp (năm 2016). Chăn nuôi phát triển có thể gây ô nhiễm đất, nước và không khí, gây ra những tác động đáng kể đến sức khỏe con người và sức khỏe động vật, hệ sinh thái và từ đó ảnh hưởng ngược lại đến ngành chăn nuôi. Chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường không những do chất thải của chính vật nuôi mà còn do quá trình sản xuất chăn nuôi tạo nên (bao gồm chất thải từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, quá trình giết mổ, sản xuất thuốc thú y, chuẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật, xử lý ổ dịch…). Chất thải chăn nuôi là nguyên nhân gây ô nhiễm lớn cho môi trường tự nhiên do lượng lớn từ các khí thải và chất thải từ vật nuôi. Tổng khối lượng phân tạo ra trên toàn quốc năm 2016 ước tính là 86,73 triệu tấn, trong đó lợn chiếm nhiều nhất (30,6%), sau đó đến gia cầm (30,4%), tiếp đến là bò (23,1%) và trâu (15,9%).

Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các vấn đề về quản lý môi trường trong chăn nuôi đang trở thành vấn đề cấp thiết, cần phải được nghiên cứu và hoàn thiện nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý môi trường trong ngành chăn nuôi.

Nghiên cứu về quản lý môi trường chăn nuôi ở Việt Nam cho thấy chất thải rắn trong chăn nuôi là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Tuy nhiên, các chất thải rắn đều dễ dàng thu gom được và được sử dụng cho mục đích trồng trọt. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi được xác định là do sử dụng nhiều nước làm vệ sinh và làm mát gia súc dẫn đến chất thải lỏng không thể thu gom, chỉ còn cách xả ra môi trường hoặc cho xuống các hầm KSH. Để quản lý tốt môi trường chăn nuôi, khung thể chế chính sách đã được xây dựng, cụ thể là việc ban hành các luật (Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thú ý, Luật Chăn nuôi) và văn bản dưới luật cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước thải chăn nuôi, điều kiện trại chăn nuôi an toàn sinh học, quy định các tiêu chí xác định cơ sở chăn nuôi và giết mổ gây ô nhiễm môi trường, tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng nảy sinh nhiều bất cập, cụ thể là: (i) Bất cập trong quy định về xử lý nước thải chăn nuôi theo QCVN 62-MT: 2016/BTNMT và việc tái sử dụng nước tưới cây theo QCVN 08:2015/BTNMT. Quy chuẩn QCVN 62 đặt ra mức giới hạn tối đa cho các thông số quá cao cho nước thải chăn nuôi để thải ra môi trường, thậm chí còn nghiêm ngặt hơn cả các quy chuẩn của Thái Lan và Nhật Bản; (ii) Chưa có chuẩn môi trường riêng về khí thải, mùi hôi cho ngành chăn nuôi; (iii) Chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc tái sử dụng nước thải sau xử lý của các cơ sở chăn nuôi; (iv) Việc ban hành quy định thẩm quyền của các cơ quan chức năng về quản lý môi trường chưa thống nhất và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và môi trường chưa chặt chẽ và thường xuyên; (v) trình độ chuyên môn về bảo vệ môi trường của các cán bộ còn hạn chế…

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và với việc các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lần đầu tiên đưa các nội dung về môi trường thành một phần nội dung quan trọng trong các cam kết, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật và cơ chế chính sách cũng như xây dựng các giải pháp đồng bộ từ chính sách đến công nghệ và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của xử lý môi trường, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với quy chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần tăng cường nhận thức của nông dân, cán bộ khuyến nông và cán bộ quản lý về tầm quan trọng của việc sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ thay thế dần phân vô cơ, tiết kiệm nước trong chăn nuôi và công nghệ để xử lý môi trường chăn nuôi thông qua các chương trình truyền thông đại chúng rộng khắp và các hoạt động đào tạo chuyên sâu.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15862/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)