Vừa qua, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp với Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu “Tổ hợp thiết bị phân loại rác thải điều khiển từ xa”.
Theo các tác giả, năm 2008, phiên bản đầu tiên của tổ hợp thiết bị tự động phân loại rác thải được chế tạo và thử nghiệm tại Nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây. Sau 10 năm không ngừng cải tiến, năm 2019, tổ hợp thiết bị phân loại rác thải điều khiển từ xa thế hệ thứ 6, công suất 15 tấn/giờ đã được chuyển giao và đưa vào xử lý 100 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Cù Lao Xanh (tỉnh Đồng Nai).
Hiện nay, tổ hợp thiết bị phân loại rác thải điều khiển từ xa thế hệ thứ 7, có công suất 5 – 20 tấn/giờ đã sẵn sàng để chế tạo theo các hợp đồng chuyển giao – thương mại hóa sản phẩm.
Tổ hợp thiết bị cho phép xử lý rác tự động, loại bỏ rác thải bằng thiết bị điều khiển từ xa; tự động phân phối lượng rác vào máy cắt phù hợp với từng loại rác và công suất máy, cùng với việc băm, cắt xé bao, gói và tự lựa chọn loại rác cần cắt nhỏ theo yêu cầu của công nghệ phân loại, tái chế. Không chỉ thế, tổ hợp thiết bị còn có thể cắt nhỏ các loại rác hữu cơ có nguồn gốc động thực vật theo công nghệ ủ sinh học nhằm sản xuất phân bón vi sinh phục vụ nông nghiệp; nghiền nhỏ rác thải vô cơ (gạch đá, thủy tinh) phục vụ cho công nghệ đóng rắn, san lấp… Đặc biệt, quy trình phân loại xử lý rác được thực hiện trong không gian khép kín nên kiểm soát được sự phân tán khí có mùi độc hại, vi khuẩn gây bệnh ra môi trường, loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh hoặc cháy nổ.
Tổ hợp thiết bị có khả năng thay thế 100% lao động sử dụng trong công đoạn phân loại rác bằng tay, giảm thời gian phân hủy do đó tăng năng suất xử lý, sớm thu hồi được khí gas, mùn hữu cơ sinh học, giảm thời gian quay vòng hố chôn lấp đến hàng chục năm.
Ông Lại Minh Chức giới thiệu mô hình tổ hợp thiết bị phân loại rác thải điều khiển từ xa.
Giải đáp về chi phí đầu tư và vận hành cho nhu cầu xử lý rác 300 tấn/ngày, ông Lại Minh Chức (Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Môi trường Việt Nam) cho biết một module tổ hợp thiết bị xử lý 150 tấn/ngày có giá khoảng 30-40 tỷ, chi phí vận hành khoảng 200.000 đồng/tấn, nếu chỉ đốt bỏ hoàn toàn thì có thể thu hồi vốn sau khoảng 3 năm, còn nếu tính phần tận thu sau đốt thì có thể hoàn vốn sau 2 năm. Chi tiết về bài toán tài chính sẽ được các bên trao đổi sâu hơn khi đàm phán thương mại.
Ngoài việc chuyển giao cho doanh nghiệp ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), tổ hợp thiết bị phân loại rác thải điều khiển từ xa cũng được triển khai xây dựng ở các tỉnh Nam Định và Kiên Giang, với phương thức vận hành tự động và được điều khiển từ xa, có thể theo dõi và giám sát qua mạng, công suất xử lý khoảng 15 tấn/giờ.
Với sứ mệnh làm giảm nguy hại đến người lao động trực tiếp (chẳng hạn như rác bị lẫn vật liệu nổ), tổ hợp thiết bị phân loại rác thải điều khiển từ xa còn được thiết kế theo cơ chế tách rời phòng điều khiển với khu phân loại rác, vì thế người lao động không cần đứng gần rác thải nên độ an toàn lao động cao hơn các phương thức cũ. Quá trình vận hành quá trình phân loại rác bằng thiết bị điều khiển từ xa chỉ cần 2 nhân công: một người điều khiển robot (cầu trục chuyên dụng) để đưa rác thải vào máy và một người điều khiển tổ hợp thiết bị từ động phân loại rác thải.
Thông qua sự kết nối của CESTI, Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Môi trường Việt Nam mong muốn tìm được các nhà đầu tư tiềm năng giúp để chuyển giao công nghệ hoặc thương mại hóa tổ hợp thiết bị. Bên chuyển giao công nghệ cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ viết thuyết minh dự án đầu tư cho các doanh nghiệp, tham gia bảo vệ dự án để ngày càng có nhiều hơn các mô hình xử lý rác thải hiệu quả, kinh tế được triển khai xây dựng ở Việt Nam.