PGS.TS. Trương Thanh Hương (60 tuổi) Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai được biết đến là tác giả của nhiều kỹ thuật mới hỗ trợ chẩn đoán những bệnh lý liên quan đến tim mạch. Bà như vị cứu tinh với nhiều gia đình vì đã kịp thời phát hiện, mang lại cuộc sống mới cho người thân của họ. Nhất là ở thời điểm cách đây hàng chục năm, kỹ thuật xét nghiệm cholesterol máu gia đình di truyền chưa phổ biến ở Việt Nam.
Đó là năm 1997, sau 5 năm tu nghiệp tại Đại học Paris VI về các kỹ thuật mới tim mạch học lâm sàng, bà trở về Viện Tim mạch công tác. Khi đó bà được bệnh viện đề nghị phát triển kỹ thuật siêu âm tim. Tuy nhiên PGS Hương sớm phát hiện sự nguy hiểm của căn bệnh rối loạn cholesterol máu, là căn nguyên gây bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch nên bà quyết tâm theo đuổi.
“Bệnh mạch vành khiến động mạch hẹp lại, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ”, bà nói và cho biết, thời điểm đó xét nghiệm về cholesterol máu tại Việt Nam chỉ được phục vụ số ít nghiên cứu, không có khái niệm khám phổ biến cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sẽ gây biến chứng sớm, có thể tử vong trước tuổi 20″, PGS Hương nói.
Bà kể lại, ngày trình bày trước hội đồng khoa học công trình nghiên cứu đầu tiên về rối loạn cholesterol máu đã không nhận được sự đồng ý, bởi “căn bệnh này khi đó còn hiếm gặp tại Việt Nam, khó triển khai nghiên cứu diện rộng”. Bằng những giả thiết đặt ra, PGS Hương đã thuyết phục hội đồng về tầm quan trọng của nghiên cứu đối với điều trị các bệnh tim mạch. Sẵn sàng bỏ tiền túi làm nghiên cứu, bà đặt những kit xét nghiệm máu từ nước ngoài định lượng cholesterol.
Trường hợp phát hiện đặc tính truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của bệnh tăng cholesterol máu ở bệnh nhi 9 tuổi (Ninh Bình) khiến PGS Hương càng quyết tâm đi tìm lời giải. “Bệnh nhi này mắc bệnh tăng cholesterol máu gia đình thể đồng hợp tử. Nghĩa là bố và chị ruột đều mắc bệnh, nhưng cháu bé bị nặng nhất, nên phải đặt stent mạch vành để tái tạo lưu thông và lọc mỡ máu”, bà kể lại.
Ca bệnh chỉ điểm đầu tiên xuất hiện ở độ tuổi quá sớm khiến bà lo ngại bệnh lý này đang ngày một nghiêm trọng hơn. Vì vậy, tạm gác việc gia đình, PGS Hương và nhóm nghiên cứu bắt đầu những chuyến đi thăm khám thực địa dài ngày ở nhiều địa phương như tỉnh Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Nội.
PGS Trương Thanh Hương khám thiện nguyện tại Yên Bái năm 2017. Ảnh: NVCC
Khi ấy, nhiều hộ gia đình còn nghi ngờ những xét nghiệm này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nên từ chối khám bệnh. “Nhưng sau khi được phổ biến về tầm quan trọng của căn bệnh, nhóm nghiên cứu nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng” PGS Hương nói và nhớ lại những chuyến xe chở hàng miễn phí, bữa ăn thân thiết với người dân.
Những chuyến thực địa giúp phát hiện nhiều hơn trường hợp mắc tăng choresterol máu gia đình. Đỉnh điểm là khi sàng lọc 55 người trong một gia đình tỉnh Tuyên Quang phát hiện 28 người mắc căn bệnh di truyền này, nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài. Những bệnh nhân này được PGS Hương kịp thời điều trị, tránh trường hợp đột tử.
Để có được kết quả này, bà và nhóm nghiên cứu mất tới 3 năm (từ năm 2015) để thăm khám và gửi mẫu ra nước ngoài bởi thời điểm đó, Việt Nam chưa có xét nghiệm tìm đột biến gene.
Sau thành công bước đầu, kỹ thuật xét nghiệm cholesterol máu gia đình của PGS Hương được áp dụng phổ biến tại các cơ sở y tế, bệnh viện lớn và là xét nghiệm cơ bản cho bệnh nhân tuổi trung niên. Mới đây, Hiệp hội Xơ vữa Động mạch châu Âu tại Bồ Đào Nha mời nhóm nghiên cứu của PGS Hương chia sẻ cho 68 quốc gia khác về kinh nghiệm đưa kỹ thuật này vào Việt Nam.
Từ đây, nhiều công trình phục vụ chẩn đoán và điều trị căn bệnh này được xây dựng. Trong đó, nhóm nghiên cứu PGS Hương ứng dụng công nghệ gene để sản xuất chip sinh học chẩn đoán loại gene đột biến có trong bệnh lý cholesterol máu gia đình.
Hơn 20 năm làm nhiệm vụ nghiên cứu và khám chữa bệnh, PGS Hương đã quen với những chuyến công tác xa gia đình. “Dù nhớ con nhưng đã xác định làm khoa học là phải có hy sinh và đánh đổi”, bà nói. Gia đình và đồng nghiệp luôn là động lực lớn, hỗ trợ và tôn trọng những quyết định, giúp bà kiên định đi theo hướng nghiên cứu mới.
Bà quan niệm, ở lĩnh vực nào, người làm khoa học phải tìm ra cái mới, vượt trội, vì vậy dù ở tuổi 60, PGS Hương luôn tìm kiếm những “khoảng trống” mới trong nghiên cứu. “Những khoảng trống này có thể là hướng nghiên cứu chưa được ai khai phá của ngày hôm nay, nhưng ngày mai có thể đã khác, vậy nên phải không ngừng tìm hiểu”, PGS Hương nói. Điều này khơi nguồn cảm hứng làm khoa học cho lớp trẻ của Viện. Bà luôn khuyến khích và tạo điều kiện lớp trẻ có những báo cáo, công trình quốc tế.
PGS Hương và cộng sự tại phòng hội chẩn
Là một trong những bác sĩ trẻ được PGS.TS Trương Thanh Hương đào tạo, Thạc sĩ Kim Ngọc Thanh, giảng viên Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội chia sẻ, PGS Hương là chỗ dựa vững chắc giúp cho các bác sỹ trẻ có cơ hội cọ xát thực tế, tham gia các diễn đàn y học trên thế giới, tự tin khẳng định năng lực của mình trước các đồng nghiệp quốc tế. “Cô đã truyền lại hết kiến thức, kinh nghiệm cho chúng tôi và luôn kèm theo câu nói: Cô dạy hết cho các em những gì cô có và mong rằng các em cũng truyền lại cho thế hệ sau như vậy”, BS Kim Ngọc Thanh chia sẻ.
Với PGS Hương, điều tự hào là bà đã chứng minh trong khoa học, chỉ cần luôn kiên định với lối đi riêng, “đi nhiều, lối đi đó sẽ trở thành con đường, giúp ích cho cộng đồng và xã hội”.
Nhờ những đóng góp cho cộng đồng, năm 2020 bà được Giải thưởng Kovalevskaia 2020 vinh danh. năm 2016, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Lao động hạng III năm 2018. “Với người làm khoa học, sự ghi nhận rất đáng trân trọng, là niềm khích lệ và động lực để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, đóng góp cho cộng đồng”, PGS Hương nói.